Đây là một trong những nội dung nổi bật liên quan đến vấn đề tiền lương được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị trong lần sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động 2012.

Sau 03 năm Bộ luật Lao động 2012 được thi hành trên thực tiễn đã bộc lộ nhiều hạn chế, tại Dự thảo Báo cáo Tổng kết đánh giá 03 năm thi hành Bộ luật lao động ngày 03/10/2016, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thi hành pháp luật lao động trong vấn đề tiền lương như một số quy định chưa rõ ràng làm lúng túng, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật: thời giờ làm việc của đối tượng hưởng lương khoán, chế độ bảo hiểm của người lao động, vấn đề tăng lương cho người lao động hưởng lương khoán; chưa quy định rõ loại tiền lương phải trả.

Trong việc thực hiện tồn tại nhiều bất cập như sau:

  • Cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp còn cứng nhắc và thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Do vậy,  tình trạng năng suất, chất lượng lao động chưa cao.
  • Việc xây dựng thang bảng lương ở các doanh nghiệp: Thang bảng lương được xây dựng thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng bảo hiểm xã hội. Một số doanh nghiệp quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hàng tháng, quý, năm cũng rất phức tạp, khó khăn cho người lao động và tập thể lao động thụ hưởng, theo dõi và giám sát thực hiện.
  • Các doanh nghiệp xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng, nâng bậc lương cho người lao còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Mặc dù hệ thống thang, bảng lương doanh nghiệp xây dựng có nhiều bậc nhưng người lao động không được nâng bậc lương, chỉ khi nào mức lương tối thiểu vùng tăng thì người lao động mới được tăng theo tỷ lệ tương ứng hoặc theo một mức cố định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
  • Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đang tồn tại 03 loại lương: lương tham gia bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ chính sách, lương để quyết toán thuế, lương thực chi cho người lao động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Bộ đã kiến nghị, đề xuất sửa đổi nhiều nội dung:

bao hiem xa hoi button

  • Bổ sung quy định, hướng dẫn cụ thể đối với hình thức trả lương khoán cho người lao động;
  • Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không xây dựng và gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương;
  • Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “không ban hành quy chế trả lương, trả thưởng, nâng bậc lương cho người lao động hoặc có xây dựng nhưng không thực hiện”;
  • Hiện nay, quy định đối tượng hưởng lương tối thiểu hiện nay không hợp lý, không thể xác định được người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Ngoài ra, lương tối thiểu ngành được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên, tùy theo điều kiện thực tế, vì vậy quy định cứng trong luật là không cần thiết. Cần khẩn trương ban hành Luật Tiền lương tối thiểu để áp dụng và thực hiện theo cơ chế thị trường;
  • Quy định cụ thể về Hội đồng tiền lương quốc gia;
  • Cần hướng dẫn các hình thức trả lương, đặc biệt là trả lương theo thời gian (tháng, tuần, ngày, giờ) để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện và làm cơ sở để để xác định mức lương theo các hình thức trả lương tương ứng với mức lương tối thiểu theo tháng, ngày và theo giờ theo quy định của Chính phủ;
  • Có quy định rõ ràng và dễ thực hiện hơn và quy định về cách tính lương làm thêm khi được nghỉ bù; tiền lương khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hàng tuần.
  • Đề nghị có quy định rõ ràng tiền lương phải trả căn cứ vào tiền lương nào? Lương thực tế hay lương hợp đồng? người lao động được tạm ứng tiền lương theo tiền lương nào? Lương thực tế hay lương hợp đồng
  • Quy định cụ thể các nội dung chính của Sổ lương để doanh nghiệp thực hiện.

Quản trị nhân sự online sưu tầm từ Nguồn Thư ký luật.