Khoe khoang cái gì chính là thiếu cái đó, người giàu có đích thực ắt sẽ không dễ dàng đem tài phú của mình đặt trước mắt bàn dân thiên hạ, họ không vì tài phú mà kiêu ngạo, cũng không cậy vào đó mà xem thường người khác.

1. Tố chất của người có giáo dưỡng

Một lần nọ, mẹ của Thái Khang Vĩnh dắt cậu ta đến nhà một người giàu có để chơi mạt chược, đến khi ăn cơm, nữ chủ nhân bèn bảo người nhà đem hết món ngon vật lạ, nào là bào ngư, vi cá, sâm quý ra khoản đãi khách.

Thái Khang Vĩnh khi đó còn rất nhỏ, cũng là lần đầu tiên được ăn vi cá, nên lộ vẻ ngạc nhiên: “Mẹ ơi, món này là món gì thế?” 

Nữ chủ nhân mỉm cười nói: “Xem ra thích lắm đây”, rồi bà tự mình xúc thêm cho cậu 1 bát và nói: “Đây chỉ là bánh phở thôi, thích thì ăn nhiều một chút”. 

Về sau, Thái Khanh Vĩnh thành danh, cũng dự nhiều tiệc tùng, mỗi lần chủ nhân đem món ăn nào quý hiếm lên bàn, đều hô hào rất to tên món ăn: “Đây là thịt bò Kobe, con bò này mỗi ngày đều được nghe nhạc, mát-xa, rất hiếm, mỗi cân đến mấy nghìn …!”

Thái Khang Vĩnh từ đó hiểu rằng:

Người có tiền mà giáo dưỡng khác nhau thì tố chất cũng khác nhau. Người có giáo dưỡng chiêu đãi ngươi bằng món ngon vật lạ đều là xuất phát từ nội tâm. Còn người không được giáo dưỡng tốt, việc khoản đãi cũng đơn giản là ban cho người ta chút ân huệ.

2. Buổi học đáng nhớ

Hôm đó, rất ít người đến lớp học, đến cuối buổi giảng là phần vấn đáp. Một học sinh đứng lên hỏi, sau đó vị giáo sư hỏi lại tên cậu.

Cậu học trò nói tên của mình, vị giáo sư nghe không rõ, lại hỏi một lần nữa, người học trò kia nói: “Không sao đâu, không có gì đâu, tên em không có gì đáng để nhắc đến”.

Vị giáo sư cười gượng rồi không hỏi nữa…

Một lần khác, một vị giáo sư tại đại học Ngưu Tân đến Bắc Đại thỉnh giảng, cũng đến lúc hỏi đáp. Một học sinh đứng lên hỏi, giáo sư cũng hỏi tên. Học sinh nói tên của mình, vị giáo sư không nghe rõ, lại hỏi một lần nữa, học trò lại nói: “Bỏ qua đi ạ, không có gì, tên em không quan trọng đâu ạ“.

Vị giáo sư chăm chú nhìn cậu học trò rồi nói: “Không, ta rất quan tâm, tên của em rất quan trọng”.

Khi đó, dưới đài vọng lên tràng vỗ tay như sấm dậy, mọi người đều nhìn vị giáo sư với ánh mắt kính phục.

Khi đó, cậu học sinh chậm rãi đọc rõ to từng từ trong tên mình, giáo sư khi trả lời câu hỏi của cậu, cũng nhắc lại trọn vẹn tên học trò, khiến cậu vô cùng cảm động.

Cũng là một tình huống như nhau, người có tố chất khác nhau, sẽ cho thấy hiệu quả khác nhau. Họ biết tôn trọng người khác, hiểu được đối phương, đó chính là bồi dưỡng hằng ngày tính nhân văn của con người.

Đó cũng chẳng phải là lý do mà vị giáo sư nọ giảng không ai nghe, trong khi giáo sư đại học Ngưu Tân là được nhiều người bội phục.

3. Khoản đãi người ăn mày

Mẹ tôi từ nhỏ đã tạo ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, nên có những chuyện tôi nhớ rất rõ. Có một lần, lúc sắp đến giờ cơm, một người ăn mày đến xin tiền.

Mẹ tôi liền bước vào trong phòng, cầm một ít tiền lẻ cho ông ta, người này bỗng dưng chẳng màng đến tiền mẹ tôi đưa, mà chỉ nhìn vào mâm cơm ngon miệng trên bàn, nuốt nước miếng đánh ực một cái.

Mẹ tôi hiểu ý, liền xếp ra một chỗ, bảo ông ta ngồi vào bàn, cùng ăn với chúng tôi.

Ông ta không chịu ngồi vì sợ thân người dơ bẩn sẽ khiến bàn ghế nhà cửa ô uế. Mẹ tôi động viên, không sao, bẩn một chút thì lau lại sạch.

Ông ta một mực không chịu ngồi, mẹ tôi không có cách nào khác, xới một thố cơm to, bỏ thêm đồ ăn đem cho ông ta. Ông ta nhận lấy, ngồi xoải ra một góc khuất, ăn như hổ đói.

Mẹ tôi thấy vậy, cầm lòng không đặng, bèn lấy ghế ra, đặt một tấm giấy lên trên bảo ông ta ngồi, ông ta nhận lấy cái ghế mà hai hàng nước mắt tuôn lã chã. Vừa ăn vừa khóc ròng, nước mắt chan cơm mà ăn.

Ông ta bảo mình là người Hà Nam, đi xin ăn từ Hà Nam cho đến Hồ Nam, suốt nửa năm trời, xin nhà nào cũng bị đuổi ra, chứ đừng nói chi là cho ăn cơm lại còn được tôn trọng như vậy, đây là điều ông trước nay chưa từng gặp.

Nay đột nhiên tới đây lại được khoản đãi như thế, nhất thời không chịu được mà nước mắt cứ tuôn trào.

Lúc nãy đưa tiền không lấy, nên nhân lúc ông ta đang ăn cơm không để ý, mẹ tôi len lén bỏ tiền vào cái túi ông ta mang theo. Trước lúc đi ông ấy còn tặng tôi cái trống lúc lắc. Cái trống ấy làm bạn tôi từ thuở bé.

4. Tôn trọng người khác là cái gốc để làm người

Mẹ tôi là một người rất tôn trọng người khác, luôn đặt mình vào vị trí của người khác mà suy nghĩ cho họ, nên bà rất được láng giềng tôn trọng, ai có mâu thuẫn gì cũng tới nhờ bà phân xử, mẹ tôi khi ấy cũng nhiệt tình hòa giải.

Mẹ thường hay dạy chúng tôi rằng: “Khi vào nhà người ta, chủ nhân không mời thì không được tùy tiện bước vào phòng ngủ nhà họ, cũng không tùy tiện ngồi lên giường. Cho người ta mượn cái kéo, thì không được hướng mũi nhọn về phía người ta. Ăn cơm thì không phải lúc nào cũng gắp món mình thích, khi đóng cửa thấy phía sau còn người thì phải đứng vịn cửa cho họ”.

Những điều mẹ tôi dạy bảo thực ra chính là dạy chúng tôi biết tôn trọng người khác, thông cảm và thấu hiểu cho họ, điều này đối với cuộc sống đời người là vô cùng quan trọng.

Bạch Cư Dị khi nói về đạo đối nhân xử thế, đơn giản mà rằng: “Dĩ tâm độ tâm, dĩ thân quan thân”, bản thân mình nếu muốn được người khác coi trọng thì phải biết tôn trọng người khác.

Một người biết dụng tâm đối đãi với người khác, dụng tâm xử lý từng chuyện, lấy đức phục người, ắt sẽ được sự tôn trọng từ người khác.

Tuân thủ lời giáo dưỡng này như một lời nhắc nhở chính mình, tạo thành thói quen, như cây cỏ mỗi ngày mỗi tưới, như con người phải thở, tay chân phải cử động.

QTNS online sưu tầm từ nguồn Tinhhoa.net