Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách, chế độ hưu trí theo hướng đảm bảo tính công bằng cũng như quyền lợi người lao động trên nguyên tắc “đóng – hưởng”. Những điểm mới cơ bản của chế độ hưu trí:

Chế độ hưu trí theo quy định của Luật BHXH năm 2014

Về điều kiện hưởng lương hưu

– Giữ nguyên điều kiện về tuổi đời đối với trường hợp lao động trong điều kiện bình thường; điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại và nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

– Bổ sung điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động đặc thù nghỉ hưu ở độ tuổi thấp, cụ thể 02 trường hợp là lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò và lao động bị nhiễm HIV/AIDS:

+ Đối với lao động khối dân sự: Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên nếu không tiếp tục làm việc nữa thì đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

+ Đối với đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân khi có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cũng đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đây cũng là một trong những quy định được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi, chính sách đối với lao động trong điều kiện đặc thù và lao động bị rủi ro nghề nghiệp.

– Bổ sung, sửa đổi điều kiện cho đối tượng lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

So với quy định hiện tại điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động là đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi thuộc một trong 02 trường hợp: nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên; có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động tại Luật BHXH năm 2014 có sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chi tiết, chia nhóm đối tượng theo mức suy giảm khả năng lao động, môi trường làm việc và có lộ trình tăng dần tuổi hưởng theo thời gian, cụ thể:

– Người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn: Trường hợp nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, từ ngày 01/01/2016 thì tính đủ điều kiện hưởng lương hưu và thực hiện theo lộ trình tăng dần tuổi hưởng lương hưu cho đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%. Theo đó, sau mỗi năm tăng thêm 01 tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Trường hợp nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

– Đối với trường hợp người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định (nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi hoặc nam từ đủ 50-55, nữ từ đủ 45-50 tuổi và có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có hệ số phụ cấp 0,7 trở lên) khi thuộc một trong các trường hợp: Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên; Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Việc quy định như vậy cụ thể, chi tiết hơn trong việc áp dụng chế độ hưu trí đối với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động theo từng cấp độ suy giảm cũng như độ tuổi và áp dụng thực hiện theo lộ trình thời gian.

Mức lương hưu hằng tháng

– Từ ngày 01/01/2016 cho đến trước ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định giữ nguyên cách tính như Luật BHXH năm 2006 (tính bằng 45% cho 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%).

– Từ ngày 01/01/2018 trở đi, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được điều chỉnh theo hướng:

+ Bổ sung quy định tăng dần điều kiện về thời gian tham gia BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% theo lộ trình để tiến tới mức người lao động phải có thời gian tham gia BHXH nam đủ 35 năm, nữ đủ 30 năm thì mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, cụ thể: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm và Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm thì mới được tính bằng mức 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%.

Tại nội dung này đã điều chỉnh cách tính tăng thêm sau 45% của cả nam và nữ mỗi năm tăng bằng 2%, so với quy định hiện hành thì nam tăng 2%, nữ 3% sau mỗi năm và căn cứ số năm để đạt mức 45% cũng thay đổi. Quy định hiện hành cả nam và nữ đều tính 15 năm đầu đóng BHXH bằng 45%, quy định mới tính từ 01/01/2018, nữ vẫn giữ 15 năm đầu bằng 45%, còn nam theo lộ trình tăng dần số năm đầu để được tính bằng 45% như đã nêu ở trên.

+ Sửa đổi quy định giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, cụ thể: cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%; Bổ sung quy định trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

+ Bổ sung cách tính mức lương hưu hằng tháng đối với lao đông nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm tính bằng 45%, từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%. Tuy nhiên đối tượng này không áp dụng mức thấp nhất bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

– So với quy định hiện hành tại Luật BHXH năm 2006, trợ cấp một lần được tính trên số năm đóng BHXH vượt quy định, theo đó người lao động đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần thì Luật BHXH số 58 sửa đổi quy định theo hướng người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Lý do của việc quy định có thời gian đóng vượt tỷ lệ đạt mức tối đa 75% thay bằng ấn định cụ thể vượt số năm đóng như hiện tại vì cách tính mức hưởng lương hưu từ 01/01/2018 trở đi có sự thay đổi theo lộ trình thời gian.

– Mức trợ cấp một lần vẫn tính như hiện hành, bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần

– Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có lộ trình theo hướng tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, cụ thể:

+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian trước ngày 01/01/2016 thì vẫn áp dụng cách tính bình quân 05 năm, 06 năm, 08 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu như Luật BHXH năm 2006.

+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian tham gia BHXH.

– Đối tượng người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian như Luật BHXH năm 2006.

– Đối tượng người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định nêu trên.

Điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH:

– Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016 thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH vẫn thực hiện như quy định tại Luật BHXH năm 2006 (theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ đối với đối tượng theo mức lương do Nhà nước quy định và trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ đối với đối tượng theo mức lương cho chủ sử dụng lao động quyết định).

+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ áp dụng cho mọi đối tượng lao động, không phân biệt người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hay do chủ sử dụng lao động quy định.

Đối tượng tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng

Điểm mới, sửa đổi căn bản nhất là bỏ quy định đối tượng người đang hưởng lương hưu hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam, cụ thể:

Tại Luật BHXH năm 2006 quy định đối tượng phải chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo thuộc một trong các trường hợp bị tạm dừng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cùng với 02 trường hợp khác là: Xuất cảnh trái phép; Bị Tòa án tuyên bố là mất tích. Còn tại Luật BHXH năm 2014 đã bỏ đối tượng này nằm trong danh mục tạm dừng và bổ sung thêm trường hợp “Có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật”./.

LTTH

Pop-up cctl