Có nhiều cách nhìn nhận và phân loại nhân viên tùy vào mỗi công ty. Riêng với mức độ “cá biệt” của nhân viên thì có thể tham khảo một cách phân loại do James Christiansen, một tác giả chuyên viết về những kỹ năng rất cơ bản và cần thiết trong ứng xử giữa con người, trình bày trong quyển How To Deal With Difficult People (Cách ứng xử với người cá biệt), xuất bản năm 2014.
Sách đã hướng dẫn một cách phân loại những người cá biệt nói chung bên trong môi trường công việc lẫn những người bên ngoài môi trường ấy. Theo James Christiansen, có sáu loại người cá biệt: Người “Biết hết”, người “Quậy ngầm”, người “Độc đoán”, người “Than vãn”, người “Vâng ạ” và người “Không ạ”. Khi người quản lý tham khảo cách phân loại này, có thể sẽ thấy một số nhân viên của mình rơi vào hai hoặc nhiều loại cá biệt. Hy vọng là một khi đã phân loại được, người quản lý sẽ có thể có kế hoạch đưa nhân viên thoát khỏi sự cá biệt ấy.
Người “Độc đoán”
Những người này thích ra lệnh ngang hông, bất chấp sự có sẵn của hệ thống, và muốn mọi người làm theo lệnh của mình. Nhân viên “độc đoán” tạo ra môi trường đầy đe dọa, căng thẳng, làm người khác dễ mắc sai lầm, và cuối cùng là năng suất kém. Động lực ở họ là thích danh tiếng, quyền lực và bắt nạt người xung quanh.
Người “Vâng ạ”
Kiểu người này luôn muốn làm hài lòng người khác, dễ đồng ý để đạt được sự chấp thuận. Cái chính là gánh nặng công việc sẽ ở trên vai người khác thay vì ở họ. Còn ở họ chỉ là nỗ lực duy trì các quan hệ tốt đẹp. Việc ra quyết định ở họ rất dùng dằng vì họ luôn cân nhắc có tổn hại đến các mối quan hệ hay không.
Người “Không ạ”
Rõ nhất ở loại này là luôn nhìn mọi việc với màu sắc thất bại. Thể hiện trong thái độ lưỡng lự hoặc hay chỉ trích. Tiếp xúc với những nhân viên này cho cảm tưởng là họ không hề có động lực, mất phương hướng, không nhìn thấy giá trị từ bất cứ việc gì. Do vậy ngay cả với những việc đơn giản thì cũng là điều khó khăn với họ.
Người “Biết hết”
Đây không phải là nói về những tài năng, mà là nói về loại người săn tìm sự chú ý, sự thừa nhận của người khác bằng thể hiện khả năng “biết hết mọi chuyện” của mình. Do vậy khi không đạt được điều này thì sẽ nảy sinh sự ganh tỵ, tự ái.
Người “Quậy ngầm”
Họ ngụy trang dưới lớp vỏ thân thiện và tỏ ra rất cộng tác nhưng hay gây ra sự đình trệ, cản trở tiến độ công việc. Họ luôn cảm thấy mình không quan trọng hoặc thiếu quyền hạn nên thường dùng đến sự toan tính và chế giễu khi giao tiếp. Họ không thích sự đối đầu, và làm mọi cách để né tránh sự giận dữ và ngờ vực của người khác.
Người “Than vãn”
Người hay bày tỏ nỗi thất vọng, khi vượt quá một ngưỡng nào đó, sẽ là người hay than vãn. Người “than vãn” luôn tìm thấy một điều gì đó không vừa ý ở bất cứ việc gì. Và tệ nhất là họ luôn tự giả định là ai cũng biết rõ sự không hài lòng triền miên của mình. Thật ra đây là loại người cầu toàn được ngụy trang khéo. Tự biết mình thiếu những kỹ năng cần thiết, nên luôn chỉ ra những khó khăn trong công việc để tránh phải làm và phải thất bại.
Giúp trí nhớ
Thay vì phải nhớ nhiều chi tiết về từng loại người cá biệt nêu trên, Christiansen gút lại trong một phát biểu dễ nhớ hơn: Người “Độc đoán” mong được quyền lực, người “Than vãn” mong được chú ý, người “Biết hết” mong được sự công nhận, người “Vâng ạ” mong được sự chấp thuận, người “Không ạ” mong được tưởng thưởng, người “Quậy ngầm” mong gây được ảnh hưởng. Một khi đã nhận ra ai thuộc loại nào, người quản lý có thể tìm được giải pháp giúp đưa những con người cá biệt thoát khỏi tình trạng ấy.
Nguồn: DNSG