Đối với nhiều người, tuổi 20 vẫn là tuổi vẫn còn “mới vào đời” nên họ coi đây là lý do để ngụy biện cho việc đưa ra những quyết định tài chính sai lầm, hay nói cách khác là tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, khi đã bước sang tuổi 30 thì mọi chuyện gần như sẽ thay đổi hoàn toàn – một giai đoạn mới của cuộc đời khi đa phần sẽ kết hôn và có một gia đình nhỏ.
Dấu mốc này – có thể coi như vậy – sẽ dễ dàng hơn khi mỗi chúng ta có những quan điểm rõ ràng về tài chính cá nhân, đúng hơn là quản lý các khoản thu chi trong gia đình. Đây được xem là nền tảng để xây dựng một cuộc sống an toàn, bền vững, tránh những đổ vỡ không mong muốn do sự bất đồng về quan điểm tiêu tiền giữa các thành viên. Dưới đây là 7 lời khuyên rất hữu ích mà bạn có thể tham khảo.
1. Biết rõ nên mua hay thuê nhà
Khi đã bước sang tuổi 30, có được một ngôi nhà là nhu cầu của gần như tất cả mọi người. Tuy nhiên, giữa thuê và mua mới – cái nào sẽ tốt hơn? Câu trả lời thực sự không hề đơn giản, rất phức tạp và rất khó để có một đáp án hoàn hảo dù thực tế là, nhiều người vẫn thiên về quan điểm rằng “được sở hữu” sẽ tốt hơn đi thuê của người khác.
Tuy nhiên, một điều cần nhấn mạnh là trong những hoàn cảnh nhất định thì cả thuê và mua đều có những ưu điểm nhất định, xét về mặt kinh tế.
Nếu bạn chọn mua:
Một vài khía cạnh cần cân nhắc bao gồm hiện tượng bong bóng bất động sản (giá nhà tăng lên rất cao => siêu lạm phát?) trong dài hạn diễn ra tại khu vực bạn đang sống (Liệu bạn có dự đoán được khi nào nó xảy ra?) khiến giá trị thực tế của ngôi nhà bị giảm và nếu như lựa chọn mua nhà gần trung tâm thành phố thì mức giá cũng rất “chát”, trong khi đó, lựa chọn mua ở nơi xa hơn thì không phải lúc nào cũng tìm được ngôi nhà như ý muốn.
Nếu chọn mua, hãy chắc chắn là bạn có khả năng chi trả các khoản phát sinh thêm trong vai trò là chủ sở hữu, bao gồm tiền bảo hiểm, tiền sửa chữa nhà, thuế….
Nếu chọn thuê nhà:
Nếu chọn thuê nhà thì hãy đảm bảo tiền thuê và các khoản phát sinh không vượt quá 30% tổng thu nhập của cả gia đình (hoặc tổng lương của bạn).
Chọn thuê nhà cũng đồng nghĩa bạn không thể bán nó và không có sự tự do như khi chọn mua nhà mới.
Thế nên, hãy cân nhắc thật cẩn thận trước khi ra quyết định, bao gồm tính toán tài chính hiện tại và các khoản thu tương lai, đồng thời tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm, các chuyên gia tư vấn nếu cần thiết.
2. Có nên chỉ sống dựa vào tiền lương hàng tháng?
Sống dựa vào tiền lương: đầu tháng lĩnh lương và hết tháng là hết tiền. Có thể bạn đang sống một cuộc sống như vậy hoặc biết rất nhiều người cũng đang trải qua tình trạng này.
Thực tế là, sống chỉ dựa vào tiền lương không lý tưởng khi bạn đã 30 tuổi. Bởi lẽ, gánh nặng gia đình cộng với rất nhiều khoản chi không thể đoán trước khác sẽ khiến bạn nhanh chóng bước vào cảnh nợ ngập đầu, thậm chí là không thể sống nổi.
Vậy nên làm gì?
Nếu chưa tìm được công việc làm thêm thì hãy bắt đầu xem xét một cách tổng thể và thực tế nhất về thu nhập hàng tháng cũng như thói quen chi tiêu hiện tại.
Hãy sẵn sàng để chấm dứt những thói quen tiêu xài lãng phí, xây dựng danh mục mua sắm hợp lý dựa trên nhu cầu và khả năng, đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng tài chính của mình. Bạn có thể tải về các ứng dụng quản lý chi tiêu cho điện thoại hoặc ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ.
Một khi đã xây dựng ngân sách mà đến cuối tháng, chi vẫn vượt thu thì có lẽ bạn cần tìm một công việc với mức lương tốt hơn hoặc làm thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
3. Quỹ dành cho các trường hợp khẩn cấp
Đúng như tên gọi, quỹ này sẽ được sử dụng cho các tình huống khẩn cấp. Cuộc sống có vô vàn những điều bất ngờ và mặc dù đã chuẩn bị tốt nhất có thể nhưng thi thoảng, bạn sẽ không thể nào kiểm soát hết được. Nếu không có quỹ này thì nguy cơ “cháy túi” là không thể tránh khỏi.
Chẳng hạn, ốm đau, bệnh tật hay các đồ dùng trong nhà đột nhiên bị hỏng, cần sửa chữa hoặc mua mới….
Bạn nên làm gì?
Bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ, có thể với lượng nhỏ và sau đó, tăng dần dần theo tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý là quỹ này phải ở dạng “lỏng”, nghĩa là tiền mặtđể có thể sử dụng ngay tức thì chứ không phải là đặt trong sổ tiết kiệm hay thẻ tín dụng!
4. Kiểm soát nợ nần
Nợ nần là tình trạng cũng khá phổ biến với những người khi đã bước sang tuổi 30 và có thể tồn tại dưới nhiều dạng: nợ tiền kinh doanh, tiền cưới hỏi, mua nhà, mua đất, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… Nếu không kiểm soát được các khoản nợ, tiền lãi trả hàng tháng và không có cơ sở chắc chắn để trả các khoản này thì mọi thứ sẽ rất tồi tệ.
Một chiến lược giúp bạn gỡ rối trong trường hợp này là hãy trả dần dần theo tháng/năm để đảm bảo không phải trả dồn quá nhiều vào cùng một thời điểm.
5. Đa dạng các khoản thu nhập
Nếu muốn “siêu chủ động” cho các tài khoản tiết kiệm và trả hết nợ nần trong thời gian sớm nhất thì hãy cân nhắc một cách nghiêm túc về việc đa dạng hóa các khoản thu nhập của bạn. Freelancer là một ý tưởng thú vị.
Lời khuyên ở đây là hãy nỗ lực rèn luyện kỹ năng và chuyên môn với công việc hiện tại để trở thành “chuyên gia”, sau đó, bạn có thể tự tin nhận thêm việc để làm và lúc này thu nhập chắc chắn sẽ cải thiện hơn so với trước.
6. Tự nấu ăn hay mua đồ ăn sẵn?
Thực phẩm là danh mục mua hàng mà bạn không nên xem nhẹ. Đây là thứ mà bất cứ ai cũng phải mua hàng ngày và chúng không còn rẻ như trước nữa. Bên cạnh đó, nếu lựa chọn mua đồ ăn sẵn thay vì tự nấu thì một điều chắc chắn là bạn không thể nào đảm bảo được chúng sẽ luôn an toàn với cơ thể, dẫn tới các khoản chi phí phát sinh cho sức khỏe (ăn quá nhiều đường dẫn tới béo phì, quá nhiều thịt sẽ dẫn tới các bệnh tật liên quan đến tim mạch…) sẽ càng cao.
Vậy nên làm gì?
Tốt nhất là học cách nấu ăn, ưu tiên một chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả và lên danh mục thực phẩm cần thiết cho cả tuần để bạn không mất nhiều thời gian lựa chọn đồ ăn cho từng ngày nữa.
7. Chia sẻ tình hình tài chính với bạn đời
Tiền bạc là lý do phổ biến dẫn tới những mâu thuẫn không mong muốn giữa các cặp vợ chồng. Một cuộc điều tra vào năm 2014 cho thấy 70% xung đột gia đình chủ yếu xuất phát từ sự bất đồng về quan điểm chi tiêu hơn là vì những nguyên nhân khác.
Lời khuyên ở đây là thường xuyên có các cuộc nói chuyện thẳng thắn về tình hình thu – chi của gia đình, chia sẻ về quan điểm tài chính, góp ý, nhận ra sai lầm, đồng thời đưa ra giải pháp để quản lý tiền bạc hiệu quả hơn. Cả hai người (và các thành viên khác trong gia đình) cần có các thỏa thuận và cùng nhau lập một kế hoạch thu chi khoa học.
Nếu không học cách quản lý tài chính cá nhân thì sẽ không ai làm nó cho bạn. Bạn chẳng sao, cũng chẳng có hình phạt hay mối đe dọa nào có thể buộc bạn phải đưa ra các quyết định tài chính và phải có các thói quen tiêu tiền hợp lý cả. Tuy nhiên, điều bạn cần nhớ đó là: tiền là một công cụ và trách nhiệm của bạn đối với chính bạn là học cách sử dụng công cụ.
Nếu không, một ngày nào đó bạn sẽ không thể kiểm soát được các hậu quả.
Về tác giả: Bài viết được chia sẻ bởi Suraya Zainudin chuyên gia tài chính cá nhân, Bitcoin, FinTech và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận.
QTNS sưu tầm nguồn từ CafeBiz