“Cuốn sách chứa đựng những hiểu biết sâu sắc này sẽ giúp bạn trở thành một người tìm đường chân chính. Nó sẽ giúp bạn khám phá và đi theo con đường cũng như mục đích của cuộc đời mình. Nó sẽ hướng bạn tạo ra những cống hiến có ý nghĩa và sâu sắc trong cuộc sống. Và quan trọng hơn cả, nó sẽ là kim chỉ nam để bạn sống một cuộc sống không chút hối tiếc” – TS. Gerald Bell, người sáng lập Viện Nghiên cứu thuật lãnh đạo Bell nói về Aspire – Sức mạnh bí ẩn 11 câu thần chú của Kevin Hall.
VỀ TÁC GIẢ
Kevin Hall là cố vấn kinh doanh, diễn giả và chuyên gia đào tạo nổi tiếng. Ông từng làm việc tại Franklin Quest; và với tư cách phó giám đốc phụ trách bán hàng và đào tạo, ông đã tạo ra nguồn động lực cho quá trình phát triển toàn cầu của Công ty Franklin.
Kevin Hall được mọi người công nhận về phương pháp nền tảng để khám phá ra ý nghĩa tiềm ẩn và bí mật của ngôn từ. Kevin còn nổi tiếng với khẩu hiệu “Hãy thắp sáng ngọn lửa bên trong” cho Thế vận hội mùa Đông năm 2002.
Ông cũng xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng như Forbes, Worth, Nation’s Restaurant Business, và Food Network.
Ngôn từ có khả năng thuyết phục nhưng cũng có thể khiến người khác khó chịu.
Ngôn từ có khả năng dẫn dắt nhưng cũng có thể gây cản trở cho bạn.
Ngôn từ có khả năng hàn gắn vết thương nhưng cũng có thể giết chết một con người.
Genshai – Ngôn từ bí mật
Genshai chính là một từ Hindu cổ. Nó có nghĩa là bạn đừng bao giờ đối xử với bất kỳ ai theo cách khiến họ cảm thấy thấp hèn.
Nếu tình cờ đi ngang qua một người ăn xin trên phố và ném cho ông ta một đồng xu, có nghĩa là tôi không tuân thủ đúng ý nghĩa của từ Genshai. Nhưng nếu tôi quỳ xuống và nhìn vào mắt người ăn xin khi đặt đồng xu vào tay ông ta, đồng xu đó sẽ trở thành tình yêu thương.
Genshai có nghĩa là bạn không được xem thường bất cứ ai – kể cả chính bạn.
Tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi, tấm gương Genshai đầu tiên đối với tôi. Tại đám tang của bà, một thanh niên đã đến bên tôi và nói rằng, mẹ tôi là người đã thay đổi và cứu vớt cuộc đời cậu, cậu ta kể về việc mẹ tôi đã tin tưởng cậu như thế nào trong khi cậu còn không tin tưởng vào chính mình.
Không có mẹ, tôi cũng không có được ngày hôm nay, vì mẹ lúc nào cũng nói với tôi rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và thật may mắn là tôi đã tin tưởng vào điều đó.
Bài học tôi đã nhận được vô cùng đơn giản nhưng lại sâu sắc biết bao. Một từ có thể làm thay đổi và biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn – Genshai.
Cách tôi đối xử với chính mình sẽ nói lên cách tôi sẽ đối xử với người khác
Khi tôi đối xử với chính mình bằng lòng tự trọng và sự tôn kính, điều đó sẽ được phản ánh trong cách tôi đối xử với người khác. Nếu coi thường, miệt thị bản thân mình, tôi cũng sẽ làm điều tương tự với người khác.
Tin tưởng có nghĩa là yêu thương. Khi tin tưởng vào chính mình có nghĩa là tôi yêu bản thân mình. Khi yêu chính mình, tôi sẽ biết tôn trọng bản thân.
Khi tôi áp dụng từ Genshai cho chính mình, thế giới sẽ phản chiếu lại đúng như thế.
Pathfinder – Người tìm đường
Tôi tìm đến Arthur, một tiến sĩ ngôn ngữ của Đại học Stanford đã nghỉ hưu. Tôi thật sự lấy làm kinh ngạc. Đây là một ông lão ở tuổi 90, là người ở vị trí đỉnh cao trong ngành ngôn ngữ, và mỗi ngày, ông lại học một từ mới.
Hãy bắt đầu buổi nghiên cứu ngôn từ của chúng ta bằng việc xem xét ý nghĩa ban đầu của từ “leader” (người lãnh đạo hay người dẫn đường).
Đây là một từ gốc Ấn Âu, nó bao gồm hai phần: phần thứ nhất “lea” có nghĩa là path (đường đi), và phần thứ hai “der” có nghĩa là finder (người tìm thấy).
Vai trò của người dẫn đường là tìm thấy đường đi. Nhưng trước khi có thể giúp người khác tìm thấy đường đi, bạn phải biết được đường đi của chính mình.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng, những người theo đuổi mục đích và con đường chân chính của mình thường làm được 5 điều sau: (1) họ có thể đọc được những gợi ý chỉ dẫn trên con đường của mình; (2) họ hiểu rất rõ về con đường họ đang đi; (3) họ nhận biết và nắm bắt những món quà mà Thượng đế ban tặng; (4) họ sẵn sàng hy sinh để tạo nên những đóng góp ý nghĩa; (5) họ tuân theo sự chỉ bảo của niềm hạnh phúc, và nhờ vậy, họ gặp gỡ nhiều người trên con đường của mình, những người đã có mặt ở đó để hướng dẫn họ trong suốt cuộc hành trình còn lại.
Trong tiếng Pháp cổ, “journée” (nhật ký) có nghĩa là hành trình trong một ngày. Nhật ký của tôi là những điều mà tôi đã khám phá mỗi ngày trên con đường của mình. Tôi sẽ viết và suy ngẫm về cuộc hành trình của mình mỗi ngày.
Tôi sẽ dành 1% thời gian mỗi ngày (khoảng 15 phút) để hồi tưởng lại 24 giờ trước đó, đồng thời suy ngẫm về những triển vọng ở phía trước.
Có bốn vấn đề mà tôi cần nhận biết mỗi ngày:
1. Những người xuất hiện trên con đường của tôi để giúp tôi hoàn thành mục đích của mình.
2. Những hành động được thực hiện khi bắt gặp các cơ hội.
3. Những suy nghĩ giúp tôi tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa và đáng nhớ.
4. Những khoảnh khắc hạnh phúc và vui sướng.
Con người. Hành động. Suy nghĩ. Hạnh phúc.
Đó chính là những thứ tạo nên CON ĐƯỜNG.
Namasté – Những món quà kỳ diệu
Nếu có một từ nào đó của phương Đông nên được du nhập thì đó là từ thiêng liêng này “Namasté”, nó có nghĩa “Tôi xin chào sự kỳ diệu bên trong con người bạn”.
Dù có giống nhau đến mức nào, từ chủng tộc, hệ tư tưởng, nơi sinh sống, đảng phái cho đến kiểu tóc, thì mỗi người trong chúng ta thực sự là một cá thể riêng biệt. Mỗi người là một phép màu duy nhất.
Trước khi chào đón sự vĩ đại của người khác, chúng ta cần phải chào đón sự vĩ đại bên trong con người mình.
Những người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình, những người có xu hướng toả sáng hơn, chỉ tập trung vào một thứ duy nhất: Món quà độc đáo trời ban cho họ. Họ thường cho rằng mình chỉ làm những gì mà bản thân có thể thực hiện một cách không vụ lợi.
Hãy cứ là chính mình. Hãy tự do làm theo bản chất tự nhiên của mình. Sự thiên bẩm bên trong chúng ta sẽ ban cho ta mọi mong muốn và ước mơ cao đẹp.
Sai lầm lớn nhất của con người là không kiếm sống bằng những việc mà họ thích làm. Điều tôi mong mỏi nhất về các con của mình là để chúng khám phá, nhận biết được Namasté của bản thân và sống với điều đó mỗi ngày.
Tài năng và quà tặng không suy giảm hay mất đi khi được chia sẻ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở và phát triển giống như những con sóng lăn tăn khi ta thả một hòn sỏi xuống mặt nước tĩnh lặng.
Tôi cam đoan sẽ không làm những việc mà mình chỉ có khả năng làm tốt, mà phải bắt đầu làm những việc mà mình có thể thực hiện một cách tuyệt vời. Đó chính là bản chất cốt lõi của Namasté.
Passion – Niềm đam mê
Từ “niềm đam mê” này xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 12. Được hình thành bởi các học giả đạo Cơ Đốc, nó có nghĩa là suffer (chịu đựng).
Niềm đam mê không đơn thuần có nghĩa là chịu đựng; nó phải là sự chịu đựng đầy trong sáng và tự nguyện.
Theo nghĩa cốt lõi nhất, niềm đam mê là sự chịu đựng thiêng liêng.
Mặc dù định nghĩa phổ biến về sự đam mê là tình yêu sâu sắc hay tình yêu lãng mạn, nhưng ý nghĩa thật sự của nó là sẵn sàng chấp nhận chịu đựng vì những gì mà bạn yêu thương.
Viktor Frankl là một nhà phẫu thuật, một nhà tâm lý trị liệu và nhà văn đáng kính. Khi quân Đức Quốc xã chiếm thành Vienna, ông đã chọn cách ở lại bởi tình yêu sâu thẳm dành cho bố mẹ, những người không thể nhận được thị thực xuất cảnh.
Viktor luôn tìm cách ở bên cạnh cha mình trong các trại tập trung, chăm lo việc điều trị để giúp giảm bớt sự đau đớn và chịu đựng của cha cho đến tận ngày cha qua đời trong vòng tay mình.
Ít từ nào có khả năng chứa đựng sức mạnh và chiều sâu như từ “passion” (niềm đam mê). Nó còn thể hiện rõ những hành động anh hùng, không vị kỷ được một người thực hiện mỗi ngày cho người khác.
“Làm sao bạn có thể bất hạnh hay buồn chán khi biết rằng có một người nào đó trên thế giới này đang cần đến món quà của bạn, dù chỉ một người thôi”.
Giai đoạn giữa của mọi cuộc hành trình luôn là thời điểm khó khăn nhất, cũng giống như khi bạn đang bước vào giai đoạn đạt tới khát vọng và giấc mơ cao nhất của mình. Đó là lúc niềm đam mê thật sự bắt đầu xuất hiện.
Rất nhiều người đang bắt đầu khởi nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. Những người có niềm đam mê sẽ bắt tay vào thực hiện; còn những người không có niềm đam mê sẽ chỉ làm thử.
Không có gì mãn nguyện hơn việc đón nhận một ước mơ, một mục tiêu, một khát vọng và dù khó khăn đến thế nào cũng hoàn thành nó.
Khi đó, tôi có thể tạm dừng chân trên con đường của mình và nói, như cách một người đã xác định được niềm đam mê hoàn hảo: “Thế là trọn vẹn!”.
Sapere vedere – Biết cách nhìn nhận
Người ta từng nói: “Khi chúng ta thay đổi cách nhìn nhận sự việc, những thứ mà ta nhìn nhận đó sẽ thay đổi”. Có lẽ về điểm này, không ai có thể sánh được với Leonardo da Vinci, hoạ sĩ vĩ đại, nhà phát minh, nhà khoa học, người có khả năng nhìn trước tương lai đến hàng trăm năm.
Khi được hỏi về bí quyết cho những tài năng của ông, da Vinci thường trả lời bằng thành ngữ mà ông xem như một phương châm sống: Sapere vedere. Cụm từ này là sự kết hợp giữa từ La-tinh “sapere” có nghĩa là biết cách, và “vedere” có nghĩa là nhìn.
Những người có sapere vedere có xu hướng nhìn về phía trước cũng như hướng vào nội tâm; họ có khả năng tin tưởng và nhìn thấy những thứ mà người khác không nhìn thấy.
Sapere vedere là một sự kết hợp ba chiều giữa khả năng nhìn về quá khứ, khả năng nhìn thấy tương lai, và khả năng nhìn thấu được bên trong.
Mục đích là phần quan trọng của sapere vedere. Một khi biết được mục đích của mình, chúng ta sẽ trở thành những người tìm đường.
Con đường là cách ta đi. Tầm nhìn là nơi ta đến. Mục đích là nguyên nhân để ta thực hiện chuyến đi đó.
Khả năng tưởng tượng là bước đầu tiên để đạt được thành công trong tương lai. Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là phải nhìn thấy nó và sau đó tạo ra nó bằng cách nỗ lực thực hiện.
Giống như những điều quý giá khác, việc nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của sapere vedere đòi hỏi phải có sự kiên định và cần mẫn.
Ta chỉ thành công khi đã có được một tầm nhìn rõ ràng về kết quả cuối cùng. Một khi đã nhìn thấy nó, tôi sẽ thay đổi và nỗ lực thực hiện, và sẽ đạt được nó vào thời điểm thích hợp.
Humility – Sự khiêm tốn
“Humility” có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là “humus”, có nghĩa là “đất”, loại đất hữu cơ sẫm màu chứa nhiều dưỡng chất thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. Khi được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ, hạt giống sẽ biến hóa diệu kỳ. Nếu được gieo trồng cẩn thận vào mùa Xuân thì những hạt giống nhỏ bé nhất cũng sẽ đem đến một mùa bội thu vào mùa Thu. Tất cả đều bắt nguồn vào khả năng nuôi dưỡng của đất.
Khi có đủ “đất” (humus) trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ trưởng thành và phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho những người xung quanh cùng phát triển. Sự khiêm nhường chính là dưỡng chất nuôi ta khôn lớn.
Quá trình phát triển có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Sự trù phú hiếm khi được tạo ra trên nền đất khô cằn, nứt nẻ. Chỉ có cày xới, gieo trồng và cắt tỉa cẩn thận mới có thể đem đến một vụ mùa tươi tốt.
Chúng ta gieo trồng những hạt giống thành công trên “mảnh đất” của sự khiêm tốn. Không có sự khiêm tốn đích thực nào mà không có thành công và ngược lại, không có sự thành công thực sự nào lại thiếu đức tính khiêm tốn.
Năng khiếu và tài năng sẽ là nguồn năng lượng để đạt được những mục tiêu đã đề ra; nhưng nếu không được phát triển, tài năng đó sẽ bị suy giảm. Giống như cơ bắp của chúng ta, tài năng sẽ mất đi nếu không được sử dụng. Khi được thử thách và vận động, cơ bắp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Kiên trì phấn đấu và mở rộng… Thay đổi và trưởng thành…
Mở rộng tầm với và phát triển… Đó chính là giá trị cốt lõi của sự khiêm tốn.
Inspire – Khơi nguồn cảm hứng
Inspire có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là “inspirare”. “Spirare” có nghĩa là thở, và “in” có nghĩa là vào trong. Và khơi nguồn cảm hứng có nghĩa là hít thật sâu vào bên trong.
Khi chúng ta đưa hơi thở vào cuộc sống của người khác, chúng ta sẽ khơi nguồn cho niềm hy vọng, mục tiêu và mơ ước của họ. Chúng ta mang hơi thở vào cuộc sống của họ như cách Tạo hoá đã đưa hơi thở vào để tạo ra sự sống cho chúng ta.
“Mọi người sẽ quên những gì bạn nói, mọi người sẽ quên những việc bạn làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cách bạn khiến họ cảm nhận”.
Khi chúng ta khơi nguồn cảm hứng và khen ngợi người khác, cứ như thể chúng ta đang đưa họ ra khỏi nơi lạnh lẽo và quấn họ trong một “lớp áo khen ngợi” ấm áp.
Việc lựa chọn những từ ngữ và lời nói có khả năng nâng đỡ tinh thần của con người sẽ tạo ra một hệ tư tưởng mới. Thay vì chỉ mải chạy theo suy nghĩ “tôi có thể nhận được điều gì?”, chúng ta hãy chuyển hướng sang suy nghĩ “tôi có thể cho đi điều gì?”.
Tục ngữ có câu: “Một người bạn là người biết được bài hát trong tim bạn và có thể hát cho bạn nghe khi bạn đã quên lời bài hát đó”.
Nếu góp phần tạo nên hạnh phúc của người khác, chúng ta sẽ tìm thấy mục tiêu và ý nghĩa thật sự của cuộc sống.
Empathy – Sự thấu cảm
“Empathy” cũng là một từ có nguồn gốc từ đất. “Pathy” xuất phát từ chữ path (con đường), còn “em” là in (bên trong). Empathy có nghĩa là bước đi trên con đường của người khác.
Nếu không đi trên con đường của người khác, nếu không đến được nơi người đó đã đến, bạn không thể nào hiểu được những gì người đó đang trải nghiệm.
Những người bán hàng bình thường sẽ chào bán các đặc điểm. Họ nói về đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ. Còn các chuyên gia bán hàng tài giỏi thì bán các lợi ích. Họ nói về những gì mà sản phẩm hoặc dịch vụ có thể làm được cho bạn.
Khách hàng không mua các đặc điểm, họ mua các lợi ích. Những người bán hàng nào hiểu được cách đi theo con đường của người khác sẽ trở thành những nhà truyền tin vĩ đại.
Không gì có giá trị và thuyết phục bằng việc cảm thấy được người khác hiểu mình. Vào thời điểm khi một người bắt đầu cảm nhận người khác đã hiểu mình, anh ta sẽ trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng gây ảnh hưởng để tạo ra thay đổi. Sự thấu cảm có ý nghĩa đối với trái tim giống như không khí đối với cơ thể.
Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp hoặc xem thường sức mạnh của giao tiếp. Chúng ta đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của việc chọn đúng từ để nói vào đúng thời điểm. Từ ngữ kết nối con người với nhau. Chúng tạo ra những điều mình nghe và những điều mình nói. Từ ngữ là yếu tố cốt lõi làm nên con người chúng ta.
Để là người dẫn dắt và người tìm đường chân chính, tôi cần phải khám phá rằng cuộc sống được duy trì thông qua việc tích cực lắng nghe và khả năng quan sát nhạy bén.
Ernest Hemingway đã nói: “Tôi đã học được nhiều điều nhờ biết lắng nghe một cách thận trọng. Hầu hết mọi người đều không bao giờ lắng nghe”.
Tôi chọn cách tận dụng khả năng vô hạn của mình để thấu hiểu và cảm nhận vì người khác, bởi con đường có mục đích không bao giờ chỉ dành riêng cho một người.
Coach – Người hướng dẫn
Tại Hungary trước kia có một ngôi làng tên Kocs chuyên sản xuất những cỗ xe ngựa tốt nhất thế giới. Những cỗ xe ngựa này mang tên ngôi làng, nơi chúng được thiết kế một cách khéo léo và được biết đến với tên phổ biến: “Coaches” – “Những cỗ xe ngựa”. Ý nghĩa của nó là một “cỗ xe” đưa đón một nhân vật quan trọng từ nơi này đến nơi khác.
Trong các nền văn hoá và ngôn ngữ khác, coach (người hướng dẫn) được biết đến bằng nhiều tên gọi khác nhau. Nhưng tất cả đều mô tả vai trò giống nhau: người đã từng đi trước đó và chỉ lại cho người khác con đường này.
Người hướng dẫn sẽ chỉ ra những ngã rẽ, những chỗ nguy hiểm và những cạm bẫy của con đường đang đi. Dù đang dẫn đường, đang giảng dạy hay đang định hướng, họ vẫn là một huấn luyện viên, và là người không thể thiếu trong quá trình tìm đường và tìm kiếm mục đích của chúng ta.
Lance Amstrong, một trong những tay đua thành công nhất trong lịch sử đua xe đạp, là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc không chỉ có được sự hỗ trợ của các huấn luyện viên mà còn ở thái độ không ngừng học hỏi.
Anh tìm kiếm các chuyên gia để thay đổi thiết kế của chiếc xe đạp và các thiết bị cần thiết khác. Anh liên hệ với các nhà thiết kế để quyết định loại quần áo mà mình sẽ mặc nhằm giảm lực cản của gió. Anh đã nhờ đến các huấn luyện viên để tính toán sức mạnh được tạo ra từ mỗi cú đạp trên bàn đạp. Lance còn giữ liên lạc thường xuyên với các huấn luyện viên qua sóng truyền thanh để có được tư vấn suốt cuộc đua.
Không có người nào trong giới kinh doanh mà tôi từng biết có khả năng nhận ra được giá trị của các huấn luyện viên như Harvey Mackay, diễn giả nổi tiếng thế giới, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Công ty Mackay Envelope.
Harvey luôn có người hướng dẫn trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Anh có người hướng dẫn về diễn thuyết, viết lách, kinh doanh, tài chính và về cuộc sống. Anh hiểu được giá trị của việc tìm thấy và được hướng dẫn bởi một người dày dạn kinh nghiệm về một lĩnh vực nào đó. Những người hướng dẫn đã làm phong phú thêm cho cuộc sống của anh.
Khi dạy cho ai đó một kỹ năng, có nghĩa là tôi đã học được nó đến hai lần.
Người châu Á có câu nói: “Tạo điều kiện cho người khác cũng là tạo điều kiện cho chính mình”.
Các chuyên gia giúp rút ngắn đường cong kinh nghiệm cho những người mà họ hướng dẫn.
Những huấn luyện viên chân chính luôn chú trọng đến hiệu quả của những người mà họ đào tạo.
Tôi cam kết tiếp cận và truyền đạt lại bất cứ kỹ năng và tài năng nào mà tôi tích luỹ được cho người khác. Khi làm như vậy, tôi sẽ có được cảm giác cống hiến và hài lòng, thứ mà tôi không thể nào đạt được bằng bất kỳ hình thức nào khác.
Ollin – Cống hiến hết mình
Khi một trận động đất hay một cơn bão lớn rung chuyển trái đất, người Aztec cổ đại đã mô tả những hiện tượng đó bằng một từ đơn giản: “Ollin”.
Xuất phát từ ngôn ngữ Nahuatl cổ, “Ollin” có nghĩa là trái tim. “Ollin” có nghĩa là di chuyển và hành động bằng tất cả trái tim. Nó có nghĩa là toàn tâm toàn ý đi theo con đường của bạn. Để trải nghiệm ý nghĩa của Ollin, chúng ta phải “cống hiến tất cả”.
Khi một trận động đất xảy ra, nó báo hiệu rằng đã đến lúc cần di chuyển và hành động với cả trái tim mình. Người Aztec cổ gọi đó là trái tim Ollin. Họ tin rằng mỗi người đều có một con đường riêng hướng đến mục đích cuộc sống của mình và cống hiến hết mình để đạt được điều đó.
Dù trong hoàn cảnh nào, một khi đã quyết tâm đi theo con đường đã chọn, bạn cần phải cam kết bằng cả trái tim, ý chí và sức mạnh của chính mình.
Ollin không phải là điều bạn có thể làm nửa vời hoặc tuỳ thích.
Ollin là điều bạn thực hành mỗi ngày. Nó là thói quen, một thói quen trong cuộc sống giúp tạo ra những phần thưởng đáng giá.
Dorothea Brande đã viết: “Tất cả những gì cần có để vượt qua trạng thái thất vọng và sự cám dỗ của nghịch cảnh là: hãy hành động như thể thất bại không thể nào xảy ra. Đó là “bùa hộ mệnh”, là công thức, là mệnh lệnh khiến chúng ta chuyển bại thành thắng”.
Khi hành động như thể mình không thể nào thất bại, những nguồn lực vô hình sẽ hỗ trợ tôi và tôi sẽ phát triển được thứ mà người Aztec gọi là “Trái tim Ollin”.
Intearity – Sự chính trực
“Việc sống một cuộc sống chính trực bắt đầu bằng việc hứa và giữ lời hứa cho đến khi toàn bộ nhân cách, các giác quan, suy nghĩ, cảm nhận và trực giác kết hợp và hoà quyện vào nhau” -Stephen R. Covey.
Định nghĩa phổ biến của từ này là chân thật và hàm chứa sự đoan chắc mạnh mẽ về mặt đạo đức. Nhưng nguồn gốc của nó còn sâu sắc hơn thế.
“Intearity” xuất phát từ tiếng La-tinh là “integer”, mà trong toán học được dùng để gọi tên tập hợp số nguyên.
Sự chính trực trong lời nói của một người có nghĩa là lời nói đó trọn vẹn và hoàn chỉnh.
Trọn vẹn và hoàn chỉnh trong lời nói của mình cũng chính là sống toàn vẹn với từng từ thốt ra, là toàn vẹn với thời gian.
Một trong những lời khen cao quý nhất mà con người nhận được là được công nhận “hoàn toàn chính trực”.
Nguồn: Doanh nhân sài gòn