Charlotte Garvey là một cây bút độc lập, chuyên viết về những vấn đề liên quan đến môi trường làm việc trong doanh nghiệp, nhất là cách thức mà nhà quản trị đối xử với nhân viên.
Một trong những điều được bà đúc kết là những cách làm thể hiện sự đánh giá cao thành tích của nhân viên một cách chân thành có giá trị cảm xúc rất lớn, chứ không phải là giá trị quy ra thành tiền. Bà đã giới thiệu một cuốn sách viết về những hành động nhỏ chứa đựng năng lượng lớn, có tác dụng kích thích tinh thần sáng tạo của nhân viên để chứng minh cho luận điểm đó. Sách nói về một nhà máy chế tạo ôtô có tiếng ở Ấn Độ.
Ở đó, trên các bức tường nhà xưởng có dán những tờ giấy với nội dung khuyến khích các nhân viên nêu ra những ý tưởng cải tiến công việc, có chừa phần trống để ai muốn viết ý tưởng của mình thì viết, được phép ghi cả tên tác giả ý tưởng. Kết quả thu được rất khả quan. Những tờ giấy đó chính là sự khích lệ lớn đối với các nhân viên vì mọi người đều nhìn thấy những điều được viết ra, sau đó trao đổi với nhau. Tác giả ý tưởng có quyền tự hào vì có thêm đóng góp cho nhà máy.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí SHRM, tác giả Charlotte Garvey giới thiệu rằng một khảo sát đối với hơn 700 nhân viên làm việc ở nhiều ngành khác nhau cho thấy họ thừa nhận cách công khai ghi nhận đóng góp của nhân viên là biện pháp khuyến khích sáng tạo tốt, ít tốn kém mà đạt hiệu quả cao.
Vậy cách công nhận nào mà các nhà quản trị dành cho nhân viên được đánh giá cao nhất? Đó là kịp thời khen ngợi, khen thưởng người có sáng kiến, đồng thời thôi thúc tính tự chủ của những nhân viên có sáng kiến và mở rộng quyền hạn cho họ trong việc thực thi ý tưởng mới.
Có những công việc tốn nhiều thời gian mới hoàn thành, nếu chờ cho đến khi kết thúc mới có biện pháp khen thưởng thì quá chậm, do vậy hình thức công nhận đột xuất về đóng góp của nhân viên ngay sau khi ghi nhận được kết quả bằng lá thư viết tay và thư điện tử của người lãnh đạo vừa kịp thời động viên, vừa củng cố tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên.
Sự công nhận kịp thời còn chứng tỏ nhà quản trị luôn bao quát được tình hình chung, đồng thời luôn dõi theo từng bước đi của các nhân viên dưới quyền. Trong thực tế còn nhiều hình thức công nhận khác cũng được đội ngũ nhân viên đánh giá cao. Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà quản trị nên nghiên cứu kỹ những cách công nhận đóng góp mà các nhân viên ưa chuộng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thông thường, sự thừa nhận rộng rãi của mọi người được hầu hết nhân viên mong muốn, nhưng không phải tất cả. Thậm chí sẽ là sai lầm nếu thông báo rộng rãi để ca ngợi thành tích một nhân viên nào đó trong khi người ấy lại không muốn như vậy vì bị rơi vào trạng thái lúng túng, khó xử.
Tốt nhất, nhà quản trị nên tìm hiểu kỹ cá tính của nhân viên và tìm ra cách khen ngợi thích hợp với từng người. Một sai lầm thường gặp ở các công ty là sử dụng duy nhất một cách thức công nhận đóng góp của các nhân viên, không nêu rõ được sự khác biệt giữa các đóng góp.
Đôi khi, chỉ một tờ giấy viết tay của sếp chuyển tới nhân viên lại có giá trị hơn nhiều lần một phần thưởng hay tấm giấy công nhận được trình bày trang trọng. Mỗi người có một sở thích rất khác nhau nên cũng có sự khác biệt trong nhìn nhận về cách công nhận đóng góp của họ. Đó là điều mà các nhà quản trị phải hiểu được để từ đó lựa chọn những hình thức khuyến khích, động viên đội ngũ nhân viên phù hợp nhất.
Nguồn: Trương Chí Dũng