Bộ LĐTBXH đang xây dựng lộ trình thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp, chi phí y tế cũng như thành lập Quỹ bồi thường TNLĐ, BNN quốc gia để hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro trong quá trình làm việc.

Đối tượng được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức theo Luật Cán bộ, công chức; Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cho các cá nhân sau: các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

7_cong1739-400
Về nguyên tắc bồi thường, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định, đối với người lao động bị TNLĐ, việc bồi thường được thực hiện từng lần. TNLĐ xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó: Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động lần khám đầu, từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng hơn so với lần trước liền kề.

Nguồn kinh phí để chi trả dự kiến sẽ được trích từ Quỹ bồi thường TNLĐ và BNN quốc gia. Quỹ này đang được Bộ LĐTB&XH xây dựng lộ trình thực hiện trên cơ sở quỹ trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm 3 bước như sau:

Bước thứ nhất, Bộ sẽ đề xuất và tiến hành các hoạt động nghiên cứu làm cơ sở đầu vào cho hoạt động hoàn thiện pháp luật. Các nghiên cứu gồm: Nghiên cứu tổng hợp chi phí dùng cho việc phục hồi chức năng nghề nghiệp cho NLĐ bị TNLĐ hoặc BNN để xác định mức cần phải đầu tư; Xây dựng tiêu chuẩn về phục hồi chức năng nghề nghiệp cho các Trung tâm phục hồi chức năng; Nghiên cứu việc đóng góp, chi trả và hỗ trợ một số ngành thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNLĐ và phục hồi chức năng nghề nghiệp đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN; Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về cách xây dựng, vận hành, duy trì và phát triển Quỹ bồi thường TNLĐ, BNN; Lựa chọn tổ chức thực hiện thí điểm tại cơ quan BHXH và tại một số địa phương.

Bước thứ hai, rà soát sửa đổi các quy định hiện hành từng bước tiếp cận các tiêu chí của pháp luật về bồi thường TNLĐ.

Bước thứ ba, xây dựng Luật về bồi thường TNLĐ, BNN của Việt Nam theo mô hình BHXH bắt buộc. Việc xây dựng Luật về bồi thường TNLĐ, BNN nhằm mục đích xây dựng và thúc đẩy công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN tại nơi làm việc, bảo đảm việc bồi thường nhanh chóng và kịp thời, đồng thời cung cấp dịch vụ phục hồi cho NLĐ bị TNLĐ, BNN để họ có khả năng trở lại làm việc.

Dự kiến quỹ này có hướng đóng bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Chỉ cần doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh là phải đóng tiền vào quỹ, nhiều hay ít tùy thuộc vào yếu tố nguy hiểm, rủi ro. Đối với những doanh nghiệp không tham gia quỹ thì khi người lao động xảy ra TNLĐ hoặc BNN thì doanh nghiệp phải chi trả tất cả những khoản phí theo quy định của Bộ luật Lao động, nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử phạt nặng. Khi xảy ra TNLĐ, BNN, chủ sử dụng chỉ cần thông báo đến cơ quan quản lý quỹ. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động tất cả những gì mà hiện nay chủ sử dụng đang phải chịu như: Tiền chi phí về y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ hoặc BNN; Tiền lương trong thời gian điều trị, điều dưỡng; tiền chi trả cho bồi thường; hỗ trợ phục hồi chức năng; hỗ trợ cho việc bồi dưỡng, đào tạo người lao động thích nghi lại nghề hoặc làm nghề mới phù hợp; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa TNLĐ, BNN; hỗ trợ trong việc điều tra, thống kê TNLĐ, BNN,…Nếu doanh nghiệp không thông báo thì người lao động có quyền báo lên để được hưởng chế độ.

Theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng cục ATLĐ – Bộ LĐTBXH, việc hình thành và phát triển Quỹ Bồi thường TNLĐ và BNN quốc gia đem lại những tín hiệu lạc quan đối với cả doanh nghiệp và NLĐ, góp phần tăng cường khả năng quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, tăng cường sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp.