Để đảm bảo thành công cho một cuộc phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị nhiều thứ. Dưới đây là danh sách 18 thứ mà bạn cần chuẩn bị để mang theo:
1. Một vài bản copy trên giấy lý lịch xin việc (resume) của bạn
Trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể sẽ gặp gỡ với nhiều nhà phỏng vấn cùng lúc. Rất có thể, vài người trong số họ quên không mang theo bản copy hồ sơ của bạn. Việc bạn chuẩn bị sẵn một vài bản copy lý lịch để đưa cho họ xem trong quá trình phỏng vấn sẽ cho thấy sự chu đáo và chuyên nghiệp của bạn.
2. Một chiếc túi/cặp duy nhất
Vật dụng này cần thiết nhiều hơn cho phụ nữ, nhưng nam giới cũng nên xách theo cặp khi đi phỏng vấn. Đừng bao giờ cầm theo một chiếc ví lớn trong khi bạn đã có một chiếc túi đựng máy tính lớn hơn. Như vậy trông rất lôi thôi. Hãy chọn một chiếc túi đơn giản, có thể đựng mọi vật dụng của bạn.
3. Một cuốn số ghi chép đơn giản, chuyên nghiệp
Trong cuộc phỏng vấn, rất có thể bạn sẽ phải ghi chép. Hãy chuẩn bị trước một cuốn sổ đơn giản, sạch sẽ.
4. Hai chiếc bút
Bạn có thể không phải là người duy nhất trong cuộc phỏng vấn cần tới bút. Nếu nhà phỏng vấn đột nhiên cần bút và phát hiện ra bị thiếu, họ sẽ đánh giá rất cao nếu bạn đưa cho họ mượn. Đặc biệt, khi bạn nói: “Ông/bà cứ giữ lấy để dùng, tôi có mang thêm bút”, họ sẽ thấy bạn là một người có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
5. Hình ảnh chuyên nghiệp
Có một câu nói nổi tiếng: “Người ta nghe thấy những gì họ nhìn”. Bởi thế, khi xuất hiện ở một cuộc phỏng vấn, hãy đảm bảo là đầu tóc, trang điểm, trang sức, quần áo, giày dép của bạn gửi đi thông điệp đúng đắn. Hãy tránh xa những thứ rườm rà hoặc lạc mốt, đồng thời điểm soát màu sắc.
6. Thái độ tích cực
Các công ty thường ưu tiên những ứng viên thể hiện sự nhiệt tình và hăng hái với ý tưởng làm việc cho họ. Hãy đem tới cuộc phỏng vấn nụ cười tốt nhất của bạn và một thái độ tràn đầy năng lượng để thể hiện rằng, bạn thực sự muốn có được công việc mà bạn ứng tuyển.
7. Danh sách câu hỏi để hỏi nhà tuyển dụng
Vào cuối các cuộc phỏng vấn, ứng viên thường được nhà tuyển dụng cho đặt câu hỏi. Đây chính là cơ hội để bạn tỏa sáng. Bởi vậy hãy chuẩn bị trước khoảng 5-6 câu hỏi mà bạn muốn hỏi, chủ yếu tập trung vào hoạt động kinh doanh của công ty cũng như kế hoạch về tăng trưởng và lợi nhuận của công ty.
8. Danh sách những người giới thiệu
Nếu nhà phỏng vấn hỏi bạn về người có thể giới thiệu bạn (reference), thì đó là một tín hiệu cho thấy bạn đã đạt được kết quả tích cực. Bởi thế, bạn cần phải đưa ra ngay một danh sách những người giới thiệu. Hãy chuẩn bị trước danh sách này, với tên, chức vụ của từng người, mối quan hệ của họ với bạn, và thông tin liên lạc phù hợp của họ. Sự chuẩn bị này cho nhà tuyển dụng thấy bạn tự tin vào uy tín nghề nghiệp của bản thân.
9. Sự chuẩn bị tốt về tinh thần
Thái độ tự tin của ứng viên trong cuộc phỏng vấn luôn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Để làm được điều đó, bạn cần có sự tập luyện trước. Hãy nghiên cứu trước những câu hỏi thường được hỏi và những câu hỏi khó có thể gặp trong các cuộc phỏng vấn để chuẩn bị trước câu trả lời. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ không cảm thấy vấp váp hay căng thẳng trong quá trình trả lời phỏng vấn.
10. Một chiếc điện thoại đã được tắt
Đừng bao giờ trả lời điện thoại khi bạn đang được phỏng vấn. Tốt hơn hết, bạn hãy tắt điện thoại hoặc để trong xe. Các nhanh nhất để bạn bị loại trong một cuộc phỏng vấn là bạn dùng điện thoại. Hành động này cho thấy bạn không tôn trọng thời gian của nhà tuyển dụng và để lại ấn tượng rằng bạn không thực sự muốn công việc mà bạn đang ứng tuyển.
11. Chai nước, thuốc ho, giấy ăn, xà phòng rửa tay dạng khô
Đôi khi, bạn có thể bất ngờ bị ho, nên việc mang theo những thứ này trong túi xách sẽ giúp bạn giảm cơn ho trong cuộc phỏng vấn.
12. Một đôi giày thích hợp để đi bộ
Rất có thể, bạn phải đi bộ một quãng đường không hề ngắn trong công ty để tới được nơi phỏng vấn. Bởi vậy, hãy chọn một đôi giày thoải mái, thích hợp nếu bạn phải đi bộ nhiều.
13. Giao tiếp bằng ánh mắt và những ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt, giao tiếp bằng ánh mắt, cử chỉ bàn tay… nói lên nhiều điều về bạn trong cuộc phỏng vấn. Cho dù bạn không phải là người giỏi thể hiện bằng những cách này, thì việc duy trì giao tiếp bằng ánh mắt và nụ cười chân thật cũng sẽ giúp bạn chiếm cảm tình của nhà tuyển dụng.
14. Sự thật, và chỉ sự thật
Đừng bao giờ đưa ra bất kỳ thông tin sai sự thật nào trong cuộc phỏng vấn. Những lời nói dối sẽ dễ dàng bị lật tẩy và người chịu hậu quả, không ai khác, sẽ chính là bạn.
15. Các ví dụ về công việc của bạn
Thứ này đặc biệt quan trọng nếu bạn đi phỏng vấn cho một công việc đòi hỏi tạo ra sản phẩm cụ thể. Bạn không cần mang theo số lượng lớn, chỉ cần vài mẫu mà bạn có thể chia sẻ, đựng trong túi nhỏ. Bạn chỉ nên trình bày về sản phẩm của mình khi được nhà phỏng vấn yêu cầu.
16. Tinh thần của một người bán hàng
Khi đi phỏng vấn, bạn chưa phải là nhân viên của công ty, mà là một người mang hàng hóa là các kỹ năng và khả năng của bạn tới để chào bán cho công ty đó. Bởi vậy, hãy chứng tỏ bạn là người có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Hãy tập trung vào giải thích xem các kỹ năng và khả năng của bạn sẽ phục vụ được tốt nhất cho công ty ra sao. Đó chính là thứ mà họ muốn mua được từ bạn.
17. Chiến lược quan hệ dài hạn
Hãy xem cuộc phỏng vấn như một cơ hội để bạn xây dựng mối quan hệ dài hạn với nhà tuyển dụng. Bạn có thể không nhận được công việc trong lần phỏng vấn này, nhưng nếu bạn có một cuộc phỏng vấn tốt, bạn có thể được xem xét cho các đợt tuyển dụng sau. Bởi vậy, hãy cố gắng để giành niềm tin và thiết lập được mối quan hệ với các nhà phỏng vấn. Bạn có thể tính chuyện mời họ kết nối với bạn trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn.
18. Niềm tin vào bản thân
Mỗi cuộc phỏng vấn đều có nhiều ứng viên, và cơ hội chia đều cho tất cả. Hãy tự hào về các kỹ năng và đừng ngần ngại khi nói về bản thân. Không ít người thường khiêm tốn và ngần ngại nói về thành tích của mình. Tuy nhiên, khi phỏng vấn xin việc, bạn cần chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy, bạn có thể làm công việc đó tốt hơn bất kỳ ai.
Nguồn: Dân trí