Chào anh/chị,
Công ty của Thủy có chính sách là ký hợp đồng lao động 1 năm với tất cả người lao động mới vào làm việc ngày đầu tiên. Trong hợp đồng này thì Cty nêu rõ thời gian thử việc từ ngày nào đến ngày nào và thời gian thử việc này cũng bao gồm trong hợp đồng này luôn. Vì thế nên Cty cũng tham gia BHXH và các loại BH bắt buộc khác cho tất cả người lao động từ ngày làm việc đầu tiên. Đối với cá nhân Thủy thì chính sách này khá tốt cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, hôm nay Thủy gặp một trường hợp nhân viên lại phàn nàn Cty về chính sách này. Cụ thể như sau:
- Nhân viên vào làm việc với Cty từ ngày 10/6/2013 và được Cty tham gia các loại BHXH bắt buộc kể từ tháng 6/2013.
- Đến ngày 1/8/2013 và ngày 5/8/2013 nhân viên này dùng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (tổng cộng 2 lần trong tháng 8)
- Đến ngày 9/8/2013 thì nhân viên này viết đơn xin nghỉ việc và kết thúc luôn ngày đó. Khi nhận được đơn xin nghỉ việc thì Phòng Nhân sự phải báo giảm BHXH theo quy định.
Theo Công văn 1068/BHXH TP ngày 16/4/2013 thì nếu người lao động nghỉ việc/chuyển công tác mà có sử dụng thẻ BHYT khám chữa bệnh trong tháng đó (cụ thể tháng 8) thì Cơ quan BHXH sẽ không nhận lại thẻ BHYT mà người lao động phải giữ thẻ BHYT sử dụng cho đến khi hết hạn (31/12/2013) mức đóng BHYT 4.5% (bao gồm cả phần người lao động và người sử dụng lao động, tổng cộng khoảng 3.500.000đ). Khi Phòng Nhân sự thông báo cho người lao động thì anh ta làm ầm ĩ lên. Thủy đã giải thích cho anh ta hiểu rằng Cty cũng phải làm theo quy định của BHXH nên nếu anh ta muốn khiếu nại thì phải lên gặp trực tiếp Cơ quan BHXH chứ Cty cũng không thể làm trái quy định được. Anh ta bảo sẽ Complaint tiếp vì anh ta không thích Cty đóng BHXH trong thời gian thử việc. Thủy hỏi anh ta là nếu anh ta không thích thì tại sao anh ta không từ chối vì người lao động có quyền từ chối Benefits Cty dành cho mình mà. Từ tháng 6 đến tháng 7 anh ta nhận Pay Slip ghi rõ các khoản trừ nhưng anh ta chẳng nói gì cả. Đến khi xảy ra việc này thì anh bảo rằng không ai nói anh ta biết.
Không biết các anh/chị có gặp vấn đề tương tự như thế này bao giờ chưa? Và anh/ chị đã giải quyết thế nào. Cty các anh chị có đóng BHXH cho nhân viên trong thời gian thử việc không?
Cám ơn anh/chị rất nhiều.
Thủy
Dưới đây là phần gỡ rối của chị Hà có email hatr…@yahoo.com:
Dear Chi Thuy,
CV 1068/BHXH-THU ngày 16/04/2013 ở phần III Quy định về thu hồi thẻ đối với người lao động nghỉ việc
“Đối với NLĐ nghỉ việc, chuyển công tác, nếu thẻ BHYT đã cấp vẫn còn giá trị sử dụng thì đơn vị có trách nhiệm thu hồi ngay từ ngày đầu của tháng NLĐ chấm dứt tham gia BHXH BHYT để nộp cùng hồ sơ điều chỉnh giảm LĐ trong tháng. Đồng thời có công văn cam kết đã thu hồi thẻ theo đúng hạn định, và phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phát sinh chi phí khám chữa bệnh đối với những thẻ đã thu hồi đó. Quá thời hạn trên, đơn vị phải chịu thanh toán hết giá trị còn lại của thẻ.”
Theo Hà nhận thấy, Chị Thủy đang hiểu sai ý của công văn này.
Hà xin được giải thích như sau:
– Trước đây, khi NLD nghỉ việc trước ngày 15 hàng tháng, Cty phải trả thẻ BHYT cho BHXH trước ngày 10 hàng tháng và trong cùng tháng đó, Cty không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN (nếu có) bắt buộc.
– Sau này, khi có CV1068, Cty không cần phải trả thẻ trước ngày 10 hàng tháng. Khi nộp báo cáo trước ngày 20 hàng tháng, Cty cần có công văn cam kết theo đúng hạn định, và Cty cũng không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN (nếu có) bắt buộc.
Trường hợp cụ thể của nhân viên thuộc Cty Chị Thủy, NLD sẽ đóng 1.5% BHYT và NSDLD đóng 3% BHYT chỉ của tháng 08/2013. Từ tháng 09/2013 trở đi, NLD và NSDLD không phải đóng BHYT cho đến hết tháng 12/2013 nữa.
Về việc có đóng BHXH cho NLD trong thời gian thử việc hay không, luật qui định rằng trong thời gian thử việc, NSDLD không đóng BHXH, BHYT cho NLD, nhưng sẽ trả khoản này vào lương của NLD.
Cty Chị Thủy không ký HD thử việc mà lại ký HDLD 01 năm (bao gồm cả thời gian thử việc). Vì vậy việc đóng bảo hiểm bắt buộc là điều đúng đắn, hợp lý hợp tình.
Cty Chị Thủy có thông báo những qui định và chính sách của Cty, bản thân NLD cũng hiểu rõ vấn đề này nhưng khi nghe Cty báo giữ lại tiền của NLD để đóng BHYT đến hết tháng 12/2013 thì NLD phản ứng như trong email Chị Thủy đề cập.
Vì vậy, Chị nên giải thích lại để NLD hiểu rõ hơn.
Vài dòng chia sẻ cùng Chị.
Rgds,
Dưới đây là lời khuyên của chị Thanh có email blue…@yahoo.com
Dear Ms Thủy,
Theo Điều 26 BLLĐ 2012 về Thử việc có quy định rõ những nội dung giao kết trong hợp đồng thử việc: không bao gồm các khoản về BHXH, BHYT. Do đó, trong thời gian thử việc thì NSDLĐ không phải đóng BHXH,BHYT cho nhân viên nhé (luật cũ thì có quy định)
Về sự việc của công ty bạn, Thanh mạn phép có chút ý kiến thế này ạ:
1. Ký HĐLĐ 1 năm ngay khi vào làm: việc này sẽ mang đến rủi ro cho công ty, và có vẻ như không đúng luật lắm.
Vì HĐLĐ và HĐ thử việc là 2 HĐ khác biệt, không thể gộp chung như thế được. Theo tinh thần của luật mới thì trong thời gian thử việc thì người làm việc chưa được gọi là Người lao động.
ð Do đó thiết nghĩ, Công ty bạn nên tách HĐ ra thành HĐ thử việc và HĐLĐ: vừa dễ dàng đánh giá được NV trong tg thử việc; vừa không tốn chi phí tham gia BH (mà thực tế là ko cần thiết).
2. Về trường hợp này thì Thanh chưa gặp lần nào, nhưng Thanh nghĩ nếu NLĐ làm quá thì chắc mình cũng nên giải quyết hợp tình hợp lý cho người ta. Đồng thời rút kinh nghiệm đưa nội dung này vào “Đào tạo hội nhập” thì sẽ tốt hơn.
Không biết là lúc đầu công ty bạn có nói rõ với nhân viên rằng “người lao động có quyền từ chối Benefits Cty dành cho mình” không nhỉ?
Vài điều chia sẻ. Thân mến!
Dưới đây là chia sẽ của anh Thủ có email thu…@yahoo.com:
Dear Thủy,
Về mặt lý thuyết, người làm công tác nhân sự đứng ở giữa để làm cầu nối giữa NSDLĐ và NLĐ là 50/50. Tuy nhiên, thực tế lại khác hoàn toàn. Tâm lý của họ luôn nghiêng về chủ DN nhiều hơn NLĐ là 70/30.
Như bạn trình bày thì tôi nhận thấy công ty bạn có những chính sách rất tốt, nhưng người thực hiện chính sách bị vướng vì kỹ năng xử lý chưa được linh hoạt lắm. Tùy vào hoàn cảnh của sự việc, chúng ta cũng nên xử lý sao cho uyển chuyển mà không làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của các bên.
1. Ký HĐLĐ một năm khi nhân viên mới bắt đầu nhận việc nhưng lại thiếu các quy định, quy trình dẫn đến NLĐ xin nghỉ là Công ty chấp thuận luôn? Không có sự ràng buộc về thời hạn báo trước của các quy định của Công ty?
2. Khi nhân viên của Thủy làm các thủ tục làm báo cáo giảm lao động cho cơ quan BHXH ngoài mẫu D02-TS thì phải kèm công văn cam kết. Việc này đâu khó phải không?
3. ngày 1/8/2013 và ngày 5/8/2013 nhân viên này dùng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (tổng cộng 2 lần trong tháng 8): Anh ta có nộp “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH” cho phòng Nhân sự không? Nếu có, phòng Nhân sự có làm các thủ tục để anh ta được hưởng tiền BHXH trong 2 ngày nghỉ đó không?
4. Trường hợp anh nhân viên này không nộp “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH” thì người phụ trách BHXH làm công văn cam kết là ổn thôi (không có cơ sở việc anh ta nghỉ 2 ngày).
Thực tế, các cơ quan ban ngành đang vận hành hệ thống văn bản bằng “tay” chưa thể có 1 hệ thống bằng phần mềm kiểm soát mang tính đồng bộ được. Cái công văn cam kết kia chẳng qua chỉ làm cho có thủ tục thôi. Liệu cơ quan BHXH có dễ dàng, đơn giản để điều tra với chỉ 2 ngày nhân viên đó nghỉ không?
Có nhiều điều tôi không tiện nói ra trên diễn đàn. Vì mỗi người có cách xử lý vụ việc theo riêng mình, miễn sao luôn bảo vệ được cái đúng. Trải nghiệm là điều rất quý báu mà ai cũng mong muốn có được nếu đó là cái nghề “kiếm kế sinh nhai” của mỗi người. Và điều đặc biệt, có được những chia sẻ của mọi người thì lại càng có giá trị rất nhiều.
Góp vài dòng chia sẻ!
Mọi người tiếp tục đóng góp những diệu kế của mình để giúp bạn Thuỷ nhé!