Trong khủng hoảng, các chi phí thường được cắt bỏ và các chương trình đào tạo nhóm thường bị gạt đầu tiên do quan niệm các hoạt động nhóm chỉ cần thiết tại những công ty lớn hoặc có những hoạt động chuyên môn phức tạp. Trái lại trên thực tế, các chương trình đào tạo hoạt động nhóm cho các thành viên chủ chốt trong công ty tại các công ty Việt Nam cần phải được đặt tại mức độ cần kíp cao nhất do các lý do rất đặc trưng của các doanh nghiệp Việt Nam như sau

Dieu hanh va phat trien nhom

01- Quy trình làm việc chưa rõ ràng: Các doanh nghiệp Việt Nam thường mới phát triển và các qui trình trong công ty chưa rõ ràng. Trong môi trường đó, công tác làm việc nhóm rất quan trọng do có rất nhiều phần công việc hoặc trách nhiệm không được phân chia rõ ràng. Câu hỏi “Thuộc về ai ?” sẽ có rất nhiều lời giải đáp phụ thuộc vào bối cảnh và tương quan giữa các nhân viên. Trái lại, trong những công ty chuyên nghiệp và phát triển lâu năm, qui trình thường rõ ràng và các nhân viên ít khi phải bàn luận công việc này thuộc về ai. Trong môi trường như ở công ty Việt Nam, làm việc nhóm là yếu tố tối cần thiết cho nhân viên tồn tại lâu dài trong công ty và cấp quản lý hiệu quả.

02- Cơ cấu lồng ghép: Tại các doanh nghiệp Việt Nam, các nhân viên thường kiêm nhiệm nhiều vị trí và chức năng khác nhau. Các lãnh đạo doanh nghiệp thường suy nghĩ rằng việc kiêm nhiệm nhiều vị trí sẽ giảm chi phí và tăng tính hiệu quả. Tuy nhiên khi kiêm nhiệm nhiều vị trí áp lực làm việc nhóm hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều trong công ty. Hệ thống quản lý theo ma trận sẽ yêu cầu các nhân viên làm việc nhiều hơn và tương tác nhiều hơn trong công việc.

03- Người châu Á thường hành xử theo tình cảm: Khi xẩy ra mâu thuẫn, giữa các nhân viên Việt nam với nhau rất khó dàn hòa. Chính vì lý do đó, các cấp quản lý và CEO cần đặc biệt chú ý về vấn đề làm việc nhóm phải hoàn hảo ngay từ ban đầu. Nếu để mâu thuẫn xẩy ra, khả năng bất đồng và giảm hiệu quả sẽ thường xuyên xẩy ra trong công ty.

04- Tính cách làm việc nhóm hạn chế của nhân viên Việt Nam: Các nhân viên Việt Nam có rất nhiều hạn chế trong làm việc nhóm. Các hạn chế này có nguyên nhân từ thái độ, văn hóa, kinh nghiệm, năng lực. Các nguyên nhân sẽ được nói rõ hơn trong bài viết cùng tài liệu.

05- Tuyển dụng rất khó khăn: Các công ty Việt Nam thường gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Các áp lực không hiệu quả trong nhóm làm việc là một trong những yếu tố hàng đầu khiến cho nhân viên mới cảm thấy chán nản và rời bỏ khỏi công ty. Trong công ty, các nhân viên không thể chọn lựa các nhóm để làm chung. Nếu áp lực quá nhiều từ những thành viên chủ chốt, chọn lựa nghỉ việc luôn luôn đứng hàng đầu

06- Định biên nguồn nhân lực vừa đủ: Các doanh nghiệp Việt Nam thường rất tiết kiệm chi phí vì vậy định biên nhân lực thường vừa đủ hoặc ít hơn nhu cầu công việc đòi hỏi.Áp lực làm nhiều hơn với chi phí và tài nguyên ít hơn sẽ yêu cầu người nhân viên cần phải phối hợp và làm việc nhóm với nhau càng hiệu quả hơn.

07- Năng lực làm việc nhóm hạn chế các thành viên chủ chốt: Các thành viên chủ chốt và quan trọng tại các công ty Việt Nam thường là những chướng ngại vật để phát triển và duy trì nhóm hiệu quả. Các lý do tại sao các thành viên này là chướng ngại sẽ được đề cập trong tài liệu. Các cấp lãnh đạo cần đặc biệt chú ý để triển khai các chương trình đào tạo và coaching nhằm thay đổi tư duy của các thành viên này

08- Trình độ nhân viên chênh lệch: Do các điều kiện và chế độ đãi ngộ không được tốt như các công ty nước ngoài và liên doanh, các công ty việt nam thường phải tuyển và chấp nhận những ứng viên hoàn toàn ưng ý. Điều này dẫn tới sự chênh lệch giữa các nhân viên với nhau và yêu cầu công việc. Sự thiếu hụt này cũng là yếu tố làm cho đào tạo nhóm hiệu quả trở nên cấp thiết trong công ty.

Cái khó bó cái khôn. Các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế về nguồn lực và dẫn tới các vấn đề trên trong công ty. Tới lượt nó, các nguyên nhân trên đã làm giảm hiệu suất và năng suất âm thầm trong công ty. Các lãnh đạo công ty cần nhận thức và ưu tiên cho các chương trình đào tạo, phát triển và đánh giá để nâng cao làm việc nhóm hiệu quả trong toàn công ty.

Vũ Tuấn Anh

Giám Đốc Viện Quản Lý Việt Nam