Hầu hết mọi người đều không thực sự yêu thích công việc mà họ đang làm. Nhưng cũng có những cách để bạn cải thiện “tình cảm” của mình với công việc.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ 5 người thì chỉ có khoảng 1 người thực sự thấy công việc của mình là tuyệt vời, 1 người cực ghét công việc họ đang làm, số còn lại không yêu cũng chẳng ghét. Hầu hết thời gian trong ngày của mọi người đều dành cho công việc, nên nếu bạn nằm trong số những người không yêu công việc, có điều gì đó “khổ” cho bạn.

Một giải pháp cho những người ghét công việc đang làm là chuyển sang một công việc khác. Nhưng bằng cách này, họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trên nhiều phương diện và có thể sẽ chịu không ít thiệt thời. Ngoài ra, khi kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm một công việc mới không hề là chuyện dễ dàng.

Bởi vậy, giải pháp khôn ngoan nhất có lẽ vẫn là tìm cách để bạn cảm thấy yêu thích công việc của mình hơn. Dưới đây là 6 gợi ý mà các chuyên gia về nghề nghiệp đưa ra để giúp bạn. Hãy thử áp dụng ngay hôm nay bạn nhé:

1. Hạn chế nói chuyện với những người ghét việc

Trong cơ quan hay tổ chức nào cũng luôn có một vài người “mở mồm ra là chê mọi thứ”. Với quan điểm cực kỳ hoài nghi và bi quan, họ sẽ “nhấn chìm” bạn bằng những câu chuyện rằng sếp dốt ra làm sao, công ty sẽ sa thải bạn, các nhân viên còn lại toàn là những người đần, công việc thật nực cười và vô nghĩa…

Khi nghe những câu chuyện như vậy, bạn có thể cảm thấy đôi chút thoải mái vì quan điểm cho rằng, “tất cả họ đều xấu, trừ bọn ta”, nhưng về lâu về dài, chính những câu chuyện này khiến bạn cảm thấy bất hạnh.

động lực làm việc

Nếu bạn chỉ nghe những chuyện tiêu cực về nơi làm việc của mình, bạn sẽ không thể nhìn ra những điều tích cực đang tồn tại. Rốt cục, bạn sẽ có cảm giác tồi tệ về chính bản thân mình (nếu như nơi này toàn những người không ra gì, tại sao mình vẫn ở đây?).

Bởi thế, hãy hạn chế và tốt hơn hết là dừng những cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp ghét việc. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian cho những đồng nghiệp có quan điểm cân bằng hơn. Khi đó, phản ứng cảm xúc của bạn đối với công việc chắc chắn sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tốt hơn.

2. Đề nghị được làm nhiều hơn những việc mà bạn thích

Trong những nhiệm vụ mà bạn được giao, chắc chắn có những nhiệm vụ khiến bạn cảm thấy hứng thú hơn những nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, rất có thể sếp sẵn sàng giao cho bạn thêm phần việc mà bạn cảm thấy thích, đồng thời cắt giảm phần việc mà bạn không thích. Hãy lên tiếng về điều này. Nếu được sự chấp nhận của sếp, bạn sẽ cảm thấy công việc của mình thú vị lên hẳn.

3. Tự nói khác đi với bản thân

Tự nhủ có một sức mạnh rất lớn, nhất là trong vấn đề bạn yêu hay ghét công việc của bạn. Thay vì tự nghĩ trong đầu là mình đang làm một công việc chán ngắt, bạn hãy có suy nghĩ tích cực hơn.

Chẳng hạn, bạn có thể tự nói với mình rằng: “Mình đang có một công việc thú vị. Mình có thể có ảnh hưởng lớn tới công ty và các đồng nghiệp”. Dần dần, sự lạc quan từ bên trong này sẽ trở thành một nguồn năng lượng, giúp bạn làm việc tốt hơn, hăng say hơn.

4. Tìm cách thay đổi sếp

Mức độ yêu thích của mỗi người đối với công việc của họ có mối tương quan rất lớn với cách họ được quản lý. Một nhà quản lý tồi – một người thiếu gắn bó với công việc, hay chỉ trích, chỉ lo cho lợi ích của mình, không đáng tin cậy – có thể tạo ra một rào cản thực sự đối với mức độ hài lòng trong công việc của bất kỳ nhân viên nào.

Trong những công ty có quy mô trung bình hoặc lớn, bạn có thể tìm cách chuyển sang làm việc dưới quyền một sếp khác, đặc biệt nếu các kỹ năng của bạn giúp bạn có thể di chuyển dễ dàng sang một bộ phận khác. Trong trường hợp điều này là không thể, đôi khi bạn có thể thay đổi vị sếp hiện có của mình.

Phần lớn mọi người khi có một vị sếp tồi đều chấp nhận “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, đôi khi, sếp tồi không hẳn là một con người tồi.

Thay vào đó, sếp có thể chỉ không giỏi quản lý người khác. Một khi bạn đã rõ về một vài điểm mà bạn muốn sếp có sự điều chỉnh, hãy lên tiếng với sếp bằng một thái độ tôn trọng và hy vọng. Rất có thể, bạn sẽ ngạc nhiên với phản hồi tích cực mà bạn nhận được.

5. Học hỏi điều gì đó

Đôi khi, việc không cảm thấy hạnh phúc trong công việc xuất phát từ nguyên nhân công việc buồn tẻ. Công việc quá dễ hoặc quá khó đều có thể khiến bạn chán nản.

Khi bạn nhận thấy mình không còn học hỏi được điều gì trong công việc, hãy tìm kiếm những điều mới mẻ để học hỏi, giúp bản thân trở nên có ích hơn cho tổ chức. Bạn có thể học hỏi các kỹ năng hoặc kiến thức mới, không chỉ giúp bạn đảm bảo công việc tốt hơn mà còn cảm thấy hứng thú hơn với công việc.

6. Làm việc chăm chỉ hơn

Đến cơ quan vào 9h mỗi sáng và ra về lúc 5h chiều. Quy trình đó lặp đi lặp lại mỗi ngày có thể làm cho bạn chán nản. Để thoát khỏi sự buồn chán, bạn có thể đào sâu thêm vào công việc của mình để tìm ra thêm mục đích hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn.

Chẳng hạn, bạn có thể dành thời gian để giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ, đào tạo cấp dưới, tìm kiếm các sáng kiến mới để áp dụng vào công việc…

Nguồn: Dân trí