Bạn sẽ làm gì khi bị ứng viên nói xấu trên mạng xã hội, hoặc đã gửi offer rồi mà buộc phải rút lại…? Đừng tưởng đây là việc của HR, chỉ cần bạn phải tuyển nhân viên là hoàn toàn có thể đụng những tình huống “dở khóc dở cười” như vậy. Chia sẻ với bạn vài hướng xử lý mà tôi học được khi phỏng vấn nhân viên tại nhiều công ty lớn.

“Thu dọn tàn cuộc” của ứng viên tiêu cực

Ứng viên bị loại, liền viết ngay một bài nhận xét trên FB ẩn chứa sự giận dữ đối nhà tuyển dụng. Bài viết được chia sẻ nhanh chóng và bắt đầu “hot” với nhiều bình luận trái chiều, bạn nên làm gì?

  • Tôi khuyên bạn thật bình tĩnh, đừng tham gia vào cuộc tranh luận của những “anh hùng bàn phím” nha
  • Hãy hẹn ứng viên kia cà phê để chia sẻ những lý do vì sao anh ta chưa phù hợp (chứ không phải chưa giỏi) và nhân tiện thử giới thiệu cho anh ta một vài công việc mà bạn biết
  • Thỏa thuận thẳng thắn về tác động tiêu cực của bài viết tới hình ảnh của ứng viên đó trong mắt các nhà tuyển dụng tương lai & ngầm gợi ý ứng viên tự gỡ bài viết xuống.


“Kéo co” lương bổng

Ứng viên chất lượng, đã vượt qua các vòng phỏng vấn nhưng mức lương yêu cầu cao hơn mức bạn dự tính, giờ phải làm sao?

  • Nếu bạn tin là ứng viên xứng đáng nhận mức lương cao hơn, hãy nói chuyện với sếp và cả HR xem mức điều chỉnh phù hợp nhất là gì?
  • Trường hợp đó đã là mức trần của vị trí đó, có thể tìm cách tăng phạm vi công việc / trách nhiệm để ứng viên có cơ hội tạo giá trị nhiều hơn, xứng đáng với mức lương cao hơn
  • Sau đó hãy quay lại với ứng viên, chia sẻ minh bạch khung lương chuẩn và trổ tài “sell” những nét hấp dẫn ngoài lương khác như cơ hội học hỏi, công việc thú vị…


Offer letter – Đã đi “khó” trở lại?

Ứng viên kinh nghiệm. Phỏng vấn đạt. Đã gửi offer letter (thư chào việc). Đùng một cái, từ một nguồn tin cậy, bạn biết được ứng viên này đã từng dính vài “lùm xùm tiền bạc” trong quá khứ. Làm thế nào rút lại lá thư kia?

  • Hãy hẹn ứng viên ở một nơi yên tĩnh, lịch sự
  • Chia sẻ thẳng thắn thông tin (đừng tiết lộ nguồn tin) và quan điểm (của công ty bạn) về vấn đề này
  • Tuyệt đối không phán xét cá nhân, chỉ thể hiện sự không đồng tình về hành động (dù thật hoặc không – vì chắc chắn ứng viên sẽ chối) và chúc ứng viên tìm được cơ hội phù hợp hơn.

Đây hẳn không phải tình huống dễ dàng, tuy nhiên tôi tin rằng ứng viên sẽ hiểu và coi đây như “tai nạn nghề nghiệp” để  hành xử chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

Công việc tuyển dụng chưa bao giờ là đơn giản. Những chuyện tưởng chừng như khó đỡ nhưng đỡ từ từ cũng sẽ thành dễ bạn nhé. Hãy chia sẻ cùng tôi những tình huống thú vị và cách giải quyết của bạn nữa nhé.