Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc tuyển dụng nhân viên cũng là hoạt động quan trọng, nhất là với doanh nghiệp mới thành lập, vì nó sẽ quyết định sự thành bại của công ty trong tương lai
Hãy cùng tham khảo những yếu tố ảnh hưởng tích cực giúp tuyển dụng nhân sự thành công của các doanh nghiệp mới thành lập.
1. Xác định rõ vai trò của một vị trí đang cần tuyển dụng
Việc xác định vai trò của vị trí cần tuyển này thực sự rất quan trọng. Trước tiên, nó ảnh hưởng trực tiếp đến mô tả công việc mà nhà tuyển dụng sắp đăng tuyển.
Mỗi vị trí đều có một giới hạn vai trò nhất định và ứng viên sẽ ngại ngùng không nộp hồ sơ, vì họ cảm thấy quá sức, hoặc không xứng đáng với mức lương mà vị trí đó được nhận. Điều này cũng có thể trở thành rào cản hạn chế nhà tuyển dụng tiếp cận những tài năng tương lai của công ty.
Nếu bạn có một mô tả công việc sơ sài và không đủ sức nặng, thì chính doanh nghiệp của bạn sẽ phải chịu thiệt, vì nhân viên bạn tuyển được hưởng một mức lương có thể cao hơn so với những gì họ cần đóng góp.
Ngoài ra, xác định rõ vai trò của ứng viên cho vị trí cần tuyển là cách để nhà quản lý hệ thống lại những công việc đã có người đảm nhận, tránh tình trạng tuyển thừa, hoặc tuyển thiếu người, vì lúc đó bạn khó có thể cho nhân viên nghỉ việc khi họ không vi phạm quy định, hoặc đưa ra một lý do thiếu thuyết phục, hoặc nhân viên đương nhiệm sẽ vô cùng áp lực khi lượng công việc quá nhiều do thiếu nhân viên.
Dù rơi vào trường hợp nào trong hai trường hợp trên, thì chắc chắn, hiệu quả công việc của công ty bạn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
2. Vận dụng tất cả các mối quan hệ để tuyển được ứng viên
Ngoài việc đăng tin tuyển dụng trên trang web đăng tuyển việc làm hay quảng bá các vị trí cần tuyển trên các báo, tạp chí, quản lý tại doanh nghiệp mới thành lập có thể vận dụng các mối quan hệ khác như bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân, thậm chí là “hàng xóm” để tìm được ứng viên mà bạn mong muốn. Chỉ cần quảng bá cho các ứng viên biết ở công ty bạn có cơ hội, họ sẽ ứng tuyển ngay lập tức.
3. Phỏng vấn sàng lọc qua nhiều bước
Có nhiều nhà quản lý cho rằng, doanh nghiệp nhỏ, nên đưa ra các yêu cầu tuyển dụng vừa phải và chỉ cần phỏng vấn đơn giản. Nhưng trên thực tế, việc đầu tư thời gian và công sức phỏng vấn sàng lọc qua nhiều bước cho một vị trí cần tuyển có thể giúp doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Đầu tiên, hãy sắp xếp phỏng vấn ứng viên qua điện thoại. Điều này là cần thiết để nhà tuyển dụng chọn được ứng viên tiếp theo cho vòng phỏng vấn tại văn phòng mà không phải mất thời gian để tiếp đón.
Phỏng vấn tại văn phòng là cơ hội để nhà tuyển dụng tìm hiểu kỹ các thông tin mà ứng viên đã cung cấp. Sau đó, bạn cũng nên có một buổi phỏng vấn thoải mái bên ngoài môi trường làm việc để có góc nhìn toàn diện về ứng viên mình muốn tuyển.
4. Tuyển ứng viên lớn tuổi – tại sao không?
Thông thường các doanh nghiệp mới thành lập nghĩ rằng, họ cần ứng viên trẻ và khỏe mạnh để tránh rủi ro về mặt sức khỏe, cũng như thái độ nhanh nhạy dễ nắm bắt vấn đề. Tuy nhiên, hãy thử tuyển dụng ứng viên lớn tuổi, bạn sẽ được những lợi ích bất ngờ mà có thể bạn chưa bao giờ nghĩ tới.
Ứng viên lớn tuổi từng trải, là những người giàu kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc, sẽ cho nhà quản lý những lời khuyên thích đáng trong các vấn đề gặp phải. Đồng thời những ứng viên này có mối quan hệ xã hội rộng, có thể giúp doanh nghiệp có những khởi đầu tốt.
Ngoài ra, những ứng viên này thường không có nhiều tham vọng, họ sẽ không muốn nhảy việc khi đã ổn định vị trí. Nhà tuyển dụng có thể tuyển những người sắp nghỉ hưu tại các công ty khác, hoặc tại các tổ chức phi chính phủ… Miễn là họ có đủ sức khỏe và năng lực làm việc phù hợp – đừng ngần ngại gật đầu với họ.
5. Đôi khi cần tin vào bản năng
Một nhà quản lý giỏi, không chỉ qua khả năng phân tích tình hình, mà còn nhạy bén nhận ra ứng viên xứng đáng.
“Tôi không bao giờ tin hoàn toàn vào một hồ sơ ứng tuyển hoàn hảo nếu chưa phỏng vấn qua ứng viên. Tôi sẽ chỉ tuyển dụng ứng viên nào đã qua phỏng vấn nhiều vòng và thuyết phục được tôi rằng, họ có thể đảm nhiệm được vị trí ứng tuyển”, chị Tanya Jonhston, Giám đốc Nhân sự tại VietnamWorks, Navigos Group chia sẻ.
Nguồn: Báo Đầu tư