Một trong những thách thức lớn nhất trong năm 2013 của công việc nhân sự là lựa chọn, giữ chân và tạo động lực cho những nhân viên giỏi trong công ty.
Sự phù hợp công việc được đánh giá dựa trên ba khía cạnh chính: khả năng, kỹ năng, kiến thức; xu hướng hành vi, tính cách, thái độ; và cuối cùng là sở thích.
Nếu khả năng, kỹ năng hay kiến thức là những thứ có thể đo đạc và kiểm tra dễ dàng, thì xu hướng hành vi, tính cách và sở thích đều là những thông tin ẩn sâu bên trong mỗi ứng viên và rất khó phát hiện nếu chỉ thông qua những cách đánh giá thông thường.
Sự phù hợp công việc đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Jack Welch, Tổng giám đốc General Electrics, từng nói: “Chọn đúng người – đúng việc còn quan trọng hơn việc phát triển chiến lược cho tương lai”.
Khi một nhân viên kém phù hợp công việc, họ sẽ thể hiện rõ rệt những đặc điểm: Thứ nhất, họ thường xuyên không hài lòng với công việc và phàn nàn về những nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, họ dễ cảm thấy bị áp lực trong công việc và không tự tin với công việc mình làm. Cuối cùng và cũng rõ rệt nhất là khi trò chuyện với họ, có thể nhận thấy họ có xu hướng rời bỏ vị trí công việc và công ty hiện tại.
Một nghiên cứu của giáo sư Mike Smith ở Đại học Manchester cho thấy, nếu chỉ thuần dựa vào phỏng vấn để chọn ứng viên thì chỉ có 14% nhà tuyển dụng chọn được đúng người phù hợp công việc. Còn nếu đánh giá mức độ phù hợp công việc của người đó thì sẽ có đến 75% nhà tuyển dụng chọn đúng người – đúng việc.
Danial Coleman, tác giả quyển sách Working with Emotional Intelligent đã đề cập đến sức mạnh của sự phù hợp công việc trong thực tế. Một tập đoàn giải khát hàng đầu thế giới được nói đến trong quyển sách đã từng gặp phải tình trạng có đến phân nửa nhân viên quản lý các phòng, ban nghỉ việc trong vòng hai năm đầu tiên sau khi được tuyển dụng.
Chi phí giải quyết vấn đề này đã tiêu tốn của họ đến 4 triệu USD một năm. Do đó, họ đã nghiên cứu làm thế nào để giảm tỷ lệ này và đi đến thống nhất rằng, trong quá trình tuyển dụng, họ quá chú trọng vào kỹ năng mà quên đi những tiêu chí hành vi và tính cách mà họ cần như: sáng kiến, tính lãnh đạo, sự tự tin…
Và sau khi họ tiến hành đánh giá những tiêu chí đó cũng như đảm bảo ứng viên đạt được những yêu cầu về những hành vi cần thiết cho vị trí công việc thì tỷ lệ nghỉ việc đã giảm xuống chỉ còn 6% trong vòng hai năm.
Các doanh nghiệp khi tuyển dụng cần phải đánh giá nhân viên dựa trên sự phù hợp với công việc, chứ không chỉ qua những gì được thể hiện ở sơ yếu lý lịch và quá trình phỏng vấn trong ít phút. Kinh nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng kinh nghiệm đó phải phù hợp với công việc đang ứng tuyển và phải chứng minh được ý định sẽ làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Cách nhanh nhất và khoa học nhất là tìm được các công cụ đánh giá toàn diện giúp doanh nghiệp có thể đánh giá chính xác khả năng, xu hướng hành vi và sở thích của ứng viên. Từ đó có thể so khớp mức độ phù hợp của ứng viên với yêu cầu công việc.
TRẦN QUỐC HUY – Profiles International Vietnam/DNSGCT