Nhiều nhà tuyển dụng đặt những câu hỏi táo bạo để đánh giá sự sáng tạo và khả năng chịu đựng áp lực của ứng viên.
Trong tuyển dụng có một quy tắc: “Không bao giờ tuyển ứng viên “khá tốt”, hãy đợi ứng viên giỏi nhất lộ diện”. Quá trình chờ đợi này có thể mệt mỏi, nhưng bạn sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo sự bền vững lâu dài.
Hơn tất cả, tuyển dụng góp phần quyết định cho thành bại của doanh nghiệp. Tuyển nhân viên tài ba, họ sẽ theo đuổi tầm nhìn công ty và biến nó thành sự thật. Ngược lại, khi doanh nghiệp của bạn phát triển, bạn chỉ thấy những người canh đồng hồ để về chứ không có nhiều động lực làm việc.
Vậy, làm thế nào để tuyển dụng đúng người? Nhiều nhà tuyển dụng đặt những câu hỏi táo bạo để đánh giá sự sáng tạo và khả năng chịu đựng áp lực của ứng viên. Dưới đây là những câu hỏi mới lạ, đầy ẩn ý:
“Bạn nghĩ bao nhiêu hoa hồng đã được mua tại London vào ngày Valentine năm ngoái?”
“Không có đáp án đúng hay sai cho câu hỏi này. Điều quan trọng là cách ứng viên nghĩ ra câu trả lời. Họ có suy luận động não để tìm ra con số cuối cùng hay chỉ đoán đại? Tôi nghĩ câu hỏi này có thể cho thấy ứng viên là người như thế nào.” – Manraj Chhina – Trưởng phòng Khách hàng, Công ty Claimable
“Cuốn sách hay nhất bạn đọc vào năm ngoái là gì?
“Đọc sách là đam mê của tôi, và tìm hiểu ứng viên thích đọc sách gì giúp tôi hiểu được sở thích và mối quan tâm của họ. Từ đó, tôi có thể hiểu họ hơn.” – Gregg Parise, CEO của Events.com
Những người đầy khát vọng sẽ đọc sách hoặc nghe sách nói để hoàn thiện kỹ năng. Dù họ đọc sách liên quan đến một kỹ năng nào đó như bán hàng, marketing, hay chỉ đọc một cuốn sách về phát triển bản thân, tất cả đều là dấu hiệu tốt.
Nhưng nếu họ chỉ đọc truyện hoặc khoa học viễn tưởng và không đọc sách nào nghiêng về rèn luyện và phát triển, đó là một điểm trừ. Những người tài năng luôn tìm cách trở nên giỏi hơn, và những người thông minh nhất thì luôn đọc sách và tiếp cận những thông tin mới
“Điều phức tạp nhất bạn có thể nghĩ đến là gì?
“Làm việc trong những công ty mới khởi nghiệp, tôi thường phỏng vấn cho các vị trí marketing và kỹ thuật. Câu hỏi này giúp tôi hiểu rõ hơn về ứng viên. Sau khi ứng viên trả lời, tôi sẽ hỏi tiếp “Được rồi. Bây giờ hãy nói tôi biết bạn sẽ giải thích câu trả lời vừa rồi với bà của bạn thế nào”. Từ đó, tôi có thể nắm bắt sự thông thạo về kỹ thuật cũng như cách giao tiếp hiệu quả của ứng viên khi nói chuyện với những người không rành kỹ thuật.” – Elise Gabriel, Giám đốc Cấp cao Marketing của công ty Wurrly
“Hãy kể về ngày khó khăn nhất mà bạn từng trải qua”.
“Tôi hy vọng tìm hiểu thêm cách ứng viên đối diện tình huống khó khăn. Họ sẽ từ bỏ hay chiến đấu tiếp? Có một câu châm ngôn về tuyển dụng: “Tuyển tính cách, đào tạo kỹ năng”, và câu hỏi này chắc chắn sẽ đào sâu bản chất thật của ứng viên. – James Goodnow, Luật sư của Công ty Luật Lamber Goodnow Injury
“Hãy nhắm mắt lại, miêu tả căn phòng và mọi thứ trong đó”
Sau một vài câu hỏi làm quen, tôi luôn yêu cầu ứng viên nhắm mắt và miêu tả căn phòng cùng mọi thứ trong phòng càng chi tiết càng tốt. Công ty tôi xây dựng những trang web lớn và phức tạp, vì thế chú ý từng chi tiết cực kỳ quan trọng. Chỉ một lỗi sai chính tả hay đường dẫn hỏng đều có thể khiến khách hàng phiền lòng.” – Chad Coleman, nhà sáng lập và CEO của Ascen
“Hướng dẫn tôi làm một việc gì đó từ bước bắt đầu đến khi kết thúc”.
“Chúng tôi luôn yêu cầu ứng viên hướng dẫn làm một việc gì đó từ bước đầu đến khi hoàn tất. Có ứng viên chỉ cách nướng bánh, có khi lại bày điệu nhảy salsa. Chúng tôi hỏi vậy để xem họ bao quát quá trình trong suy nghĩ như thế nào để hoàn thành công việc. Nếu bạn có thể hướng dẫn ai đó từng bước một mà không vấp váp, điều đó cho thấy bạn biết cách đi theo sự chỉ dẫn từ người khác.” – Monique Tatum, CEO của Beautiful Planning Marketing & PR (BPMPR)
Bạn thích điều gì ở công ty chúng tôi? Bạn sẽ thay đổi những điều bạn không thích như thế nào?
Câu hỏi này có 2 mục đích. Đầu tiên, bạn sẽ thấy rõ cách trình bày của ứng viên về điều họ không thích. Họ sẽ nói về vấn đề và ngay lập tức gợi ý cách giải quyết, hay họ bảo rằng doanh nghiệp bạn hoàn hảo rồi, trong khi thực tế thì không phải vậy? Hãy tìm những ứng viên chỉ nói 5% về vấn đề và 95% là về giải pháp.
Bằng cách hỏi thay đổi điều họ không thích như thế nào, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu cách họ giải quyết rắc rối. Ví dụ, họ bảo dịch vụ khách hàng của bạn thật tệ, nhưng không gợi ý được cách khắc phục, làm sao họ có thể giải quyết vấn đề khi làm việc cho bạn? Những nhân viên giỏi nhất sẽ tự mình giải quyết vấn đề nhanh gọn.
Trong sự nghiệp của bạn, điều gì bạn đã làm khiến bạn tự hào nhất?
Khi đặt câu hỏi này, bạn sẽ hiểu tường tận họ làm việc thế nào và họ định nghĩa thành công là gì. Giả sử, ứng viên đã làm mười hai năm cho công ty trước và thành công lớn nhất của họ là vượt qua chỉ tiêu kinh doanh trong một quý, họ có thể không phải là nhân viên giỏi. Ngược lại, nếu họ được đề bạt thăng chức năm lần chỉ trong vòng hai năm, thì đấy chính là nhân viên xuất sắc bạn đang cần tìm.
Bạn có chơi môn thể thao đồng đội nào không?
Những người chơi các môn thể thao đồng đội như bóng rổ, bóng đá hay chèo thuyền thường tập trung đạt được mục tiêu và giữ cơ thể khỏe mạnh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực cao nhất. Họ cũng sẽ là những người giao tiếp tốt, chịu được áp lực và thể hiện tốt trong những việc tập thể.
Những câu hỏi này không hẳn là “chìa khóa” để tuyển nhân viên xuất sắc, nhưng nhà tuyển dụng có thể quyết định ai là người phù hợp với công ty và khả năng họ thành công trong vị trí ứng tuyển.
Ngoài việc đặt câu hỏi, đừng xem nhẹ cảm giác của bạn trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn cảm thấy không ổn hoặc không chắc chắn về việc tuyển ứng viên đó, hãy từ chối.
Sẽ mất thời gian để tuyển đúng người, nhưng hãy nhớ mục tiêu tuyển dụng. Đó là giúp công ty của bạn hội tụ những người giỏi, đúng người đúng việc.
QTNS sưu tầm nguồn từ HR INSIDER