Vài chiêu thuyết trình để làm sôi động không khí phòng họp nha! Các mẹo gồm: dùng tay nhiều, đi vệ sinh, ngồi dáng ông chủ, v.v…

Mẹo thuyết trình ai cũng phải lắng nghe

Phá cách trong cấu trúc

Mọi thứ đều bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị. Để chuẩn bị cho mọi bài thuyết trình, việc đầu tiên bạn phải làm là tạo bài trên PowerPoint đúng không? Vậy thì hãy phá cách ngay từ công đoạn này: Thay vì cứ theo những dàn bài xưa cũ (mở bài, danh sách những mục cần nói, nội dung chính, ý 1, ý 2, v.v…) thì hãy sáng tạo ra những cấu trúc khác để tạo hứng khởi cho người nghe thử xem.

Một mẹo mà có thể nói cho bạn là: Hãy làm bài Powerpoint để phục vụ cho bài nói, chứ đừng nói những gì có trong file Powerpoint. Nói cách khác, Powerpoint chỉ đóng vai trò phụ họa trong tất cả các bài thuyết trình, hãy dùng nó để trình bày những ý thật sự quan trọng. Bạn mới là trọng tâm của bài thuyết trình, hãy để người nghe chú ý đến bạn, chứ không phải những thứ trên màn hình.

Thông thường, tôi hay bắt đầu bài thuyết trình bằng một câu chuyện nhỏ có liên quan đến những thứ mình sắp nói. Trên slide là hình ảnh phụ họa. Sau đó trong phần thân bài, tôi cũng chỉ để hình minh họa và vài câu từ quan trọng. Để đảm bảo người nghe nhớ hết những ý quan trọng mà tôi muốn nói, tôi thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài nói, chứ không chia cấu trúc trong file PowerPoint. Hãy nhớ, bạn mới là điểm nhấn của bài nói!

Tập nói ít nhất 10 lần

Mọi người nói, “Practice makes perfect” không có sai đâu nha! Hồi xưa lúc tôi mới tập tành đi thuyết trình những lần đầu tiên, tôi tập nói đến gần 20 lần đó.

Có người bảo, tập nói nhiều thì khi nói thiệt sẽ nói như máy, như đọc, chẳng có cảm xúc hay nhấn nhá gì cả. tôi thì nghĩ khác! Tập nói nhiều sẽ giúp bạn thuộc hết các ý muốn nói. Hơn nữa, khi bạn tập 10 lần, bạn sẽ có ít nhất 10 cách nói khác nhau cho 1 ý nào đó. Như vậy là bạn sẽ có đến 10 lựa chọn trong đầu khi lên thuyết trình. Nếu như bạn chỉ tập 1 lần, bạn chỉ có 1 lựa chọn, khả năng bạn quên mất cách diễn đạt đó sẽ rất cao. Nói tóm lại, tập nói thật nhiều sẽ nâng cao sự tự tin của bạn.

Đi vào nhà vệ sinh trước khi thuyết trình

Trước khi nói trước đám đông, hầu như tất cả mọi người (bao gồm cả những diễn giả chuyên nghiệp) đều cảm thấy hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, những diễn giả chuyên nghiệp có một chiêu rất hay mà bạn nên học hỏi.

Đó là hãy vô nhà vệ sinh, đóng cửa lại, nhảy lên nhảy xuống kết hợp dang rộng hai tay cho đến khi nào áo bung ra khỏi quần. Rất nhiều diễn giả đã chứng minh rằng việc này có ích lợi không tưởng trong việc tăng sự tư tin của bạn. Bạn hãy thử xem sao!

Ngồi dáng ông chủ

Sau khi đi vệ sinh xong, hãy về chỗ chuẩn bị đến lượt nói của mình. Nhưng thay vì ngồi nghiêm trang, hãy thử ngồi gác chân lên đùi, dang hai tay quàng qua thành ghế, và tựa lưng ra sau. Đây là kiểu ngồi Power Posing (kiểu ngồi thể hiện sức mạnh). Nói nôm na, khoa học chứng minh rằng, kiểu ngồi như vậy sẽ giúp bạn tăng cường sự tự tin, làm giảm lo âu và căng thẳng đó.

Trò chuyện với đồng nghiệp trước bài nói

Đây là điều cực kỳ quan trọng. Hãy là một trong những người đầu tiên mở miệng trong bất kỳ cuộc họp nào. Bạn hãy thử nhớ lại những lần họp gần nhất xem, nếu bạn không mở miệng trong 10 phút đầu tiên của cuộc họp, bạn sẽ hầu như không nói được bất kỳ một câu nào trong thời gian còn lại của buổi họp đó. Nếu lỡ như trong cuộc họp đó bạn phải lên thuyết trình thì sao? Điều này càng làm cho bạn căng thẳng hơn gấp bội.

Hãy bắt chuyện với đồng nghiệp trong những giây phút đầu tiên của buổi họp. Nói cái gì cũng được. Nói chuyện vui, cười càng lớn càng tốt. Bạn sẽ không ngờ rằng những câu nói đó sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng như thế nào đối với tâm lý của bạn trong suốt cuộc họp đâu!

Hãy dùng tay nhiều hơn nữa

Có một nhà tâm lý học người Mỹ đã chứng minh rằng, trong tất cả các bài thuyết trình, chỉ có 7% sự hiệu quả đến từ nội dung bài nói. 93% còn lại đến từ cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể.

Vì vậy, hãy sử dụng tay nhiều hơn để nói. Cụ thể, hãy dang rộng hai tay với lòng bàn tay ngửa lên khi bạn đang nói về một vấn đề tổng quát có tầm ảnh hưởng đến nhiều người trong phòng họp. Hãy đưa tay qua bên trái, rồi qua lại bên phải nếu bạn đang trình bày 2 ý trái ngược nhau. Hãy để bàn tay úp xuống rồi lật lòng bàn tay lên khi bạn đang mở ra một ý nào đó mới. Hãy dùng tay để đếm số nếu nội dung bài nói đang có những con số bạn cần phải trình bày. Và đặc biệt hơn, hãy đi tới đi lui chứ đừng đứng yên một chỗ. Người nghe dòm bạn bất động hoài cũng chán, đúng không?

Kết thúc ấn tượng

Hãy dứt điểm một cách thật hoàn hảo bằng một cái kết thật ý nghĩa. Đừng chỉ “cảm ơn mọi người đã lắng nghe” một cách quá đột ngột nữa.

tôi hay làm vầy nè: Thường thì tôi hay kể một câu chuyện khi bắt đầu bài thuyết trình, nên tôi cũng sẽ dùng một ý nào đó trong câu chuyện ban đầu ấy để kết thúc. tôi thấy như vậy bài thuyết trình mới trọn vẹn và đi vào tâm trí người nghe.

QTNS sưu tầm nguồn từ HrInsider