Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều rất quan trọng để chúng ta cảm thấy thoải mái. Nhưng sẽ ra sao nếu cấp trên phá vỡ điều đó của bạn?
Gần đây, bộ phận của tôi vừa có một quản lí mới và cách làm việc của cô ấy làm tôi cũng như các đồng nghiệp khác cảm thấy bị quá tải. Như việc tôi thường nhận được những cuộc gọi, tin nhắn công việc từ cô ấy vào rất khuya trong khi việc không quá gấp và có thể chờ đến sáng hôm sau. Nếu tôi không nghe máy hay trả lời tin nhắn di động bảo đảm cô ấy sẽ khó chịu và kiểm điểm tôi với tất cả mọi người.Tôi muốn cô ấy hiểu rằng tôi cũng là một người tận tâm với công việc và thỉnh thoảng sẽ có những việc đột xuất xảy ra cần giải quyết ngay lập tức. Tuy nhiên, thật sự không hay khi cứ gọi ngay khi có bất cứ chuyện gì cho dù là nhỏ nhất. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của tôi cũng như mọi người khác. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người quản lí mới này hiểu vấn đề này?
Trả lời
Chào bạn, trường hợp của bạn phản ánh đúng thực trạng hiện nay khi mà ranh giới giữa công việc và cuộc sống đang bị mờ đi bởi các tiến bộ của công nghệ. Hiện chúng ta có thể làm việc tại bất kì chỗ nào vào bất cứ lúc nào chỉ với mạng Internet.
Cùng với sự tiện lợi của Internet, chúng ta có thể chọn lựa thời gian để làm việc hiệu quả và phù hợp với lịch trình của mình. Điều quan trọng bạn cần làm là phải hiểu được cách thức làm việc của người quản lí kia cũng như những gì cô ấy đang kì vọng ở bạn. Có thể thể người quản lí đó của bạn thường hay giao việc vào giờ khuya bởi vì lúc đó cô ấy mới có thời gian để đọc các email trong ngày (vì cả ngày bận đi họp). Bạn sẽ không biết điều đó nếu như không tìm hiểu.
Ngoài ra, có thể xảy ra trường hợp như sau. Thực tế cho thấy các nhà quản lí vẫn luôn đòi hỏi nhân viên chứng tỏ sự tận tâm của mình qua việc luôn hỗ trợ họ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu bạn đang làm việc trong một ngành không quá năng động đến mức cần thiết phải hỗ trợ 24/7 như thế, có thể bạn đang đối mặt với một người quản lí thiếu kinh nghiệm và đang cố chứng tỏ quyền hành của mình.
Tốt hơn hết, bạn nên suy xét kỹ trường hợp của mình là gì và sắp xếp một cuộc nói chuyện với quản lí của mình. Mục đích của cuộc trò chuyện là để làm rõ cách thức làm việc của cả hai cũng như những gì mình mong đợi từ người còn lại. Điều này có thể dẫn tới một số kết quả sau:
– Cuộc nói chuyện thẳng thắn này giúp cả hai dựng được một giới hạn hợp lí giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
– Bạn sẽ hiểu thêm về tính chất nghề nghiệp mình đang theo đuổi và có thể khiến bạn suy nghĩ lại sự nghiệp sau này của mình.
– Người quản lí kia không hề quan tâm đến ý kiến của nhân viên mình và bạn chỉ có thể chứng tỏ bản thân cho cô ấy khi bạn đáp ứng những yêu cầu từ cô ta bất cứ lúc nào.
…
Cho dù kết quả của cuộc trò chuyện là gì, cả hai sẽ hiểu nhau hơn (tránh hiểu lầm có thể tránh), từ đó giúp bản thân đưa ra quyết định quan trọng cho mình – quyết định để đáp ứng được cuộc sống cá nhân hay thăng tiến trong sự nghiệp hay cả hai.
QTNS sưu tầm nguồn từ HR INSIDER