Kỹ năng Sáng tạo & giải quyết vấn đề
Định nghĩa
Kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề là khả năng phát hiện ra vấn đề, phân tích và liên hệ các thông tin để thấu hiểu toàn diện vấn đề; đồng thời đưa ra được các phương án, đánh giá được các phương án và quyết định được hướng giải quyết. Kỹ năng này bao gồm khả năng phân tích, xử lí tình huống và ra quyết định
Biểu hiện hành vi ở các mức độ
1) Mức độ 5 – Mức độ xuất sắc
Ở mức độ này, cá nhân chủ động vận dụng được kĩ năng này trong cả những tình huống đặc biệt khó khăn. Cá nhân có thể tự tin truyền đạt kĩ năng này cho người khác.
- Luôn nhìn nhận vấn đề trung lập, khách quan ở nhiều góc độ
- Có khả năng tổng hợp và hệ thống hóa thông tin phức tạp
- Nhìn nhận được vấn đề ở quy mô lớn (mang tầm chiến lược) và đề xuất được những phương án sáng tạo có tính đột phá
- Tiên liệu được các tình huống và đưa ra được một hệ thống giải pháp hiệu quả, kịp thời trong những tình huống phức tạp, mơ hồ, thiếu thông tin
2) Mức độ 4 – Mức độ tốt
Ở mức độ này, cá nhân có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống khá khó khăn, mà hầu như không cần hướng dẫn.
- Đưa ra được giải pháp hiệu quả, kịp thời trong một tình huống chưa có tiền lệ
- Chủ động thu thập thêm dữ liệu và xử lí một hệ thống thông tin lớn, phức tạp trong thời gian ngắn, đưa ra được dự đoán về xu hướng và các hệ quả có khả năng xảy ra
3) Mức độ 3 – Mức độ khá
Ở mức độ này, cá nhân có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống khó khăn, dù đôi khi vẫn cần được chỉ dẫn từ người khác.
- Có khả năng phân tích một tình huống phức tạp, nhìn nhận được mối quan hệ giữa các yếu tố trong tình huống
- Đưa ra quyết định kịp thời, đúng đắn trong các tình huống có độ khó trung bình
4) Mức độ 2 – Mức độ cơ bản
Ở mức độ này, cá nhân có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống với độ khó trung bình và vẫn thường cần được hỗ trợ, hướng dẫn từ người khác.
- Đưa ra quyết định kịp thời, đúng đắn trong các tình huống quen thuộc và không quá nghiêm trọng, tuy nhiên sẽ bối rối nếu có tình huống ngoại lệ bất ngờ xảy ra
- Có ý thức đánh giá các phương án xử lí tình huống
- Phải nhờ trợ giúp trong tình huống thiếu dữ kiện để ra quyết định
- Có ý thức nhìn nhận vấn đề khách quan nhưng còn hành động theo chủ quan
5) Mức độ 1 – Mức độ kém
Ở mức độ này, cá nhân chỉ vận dụng được năng lực trong những tình huống cơ bản nhất và sẽ cần rất nhiều chỉ dẫn từ người khác
- Áp dụng đúng quy trình để xử lí tình huống mà không có khả năng xử lí tình huống bất ngờ, không cân nhắc các mặt của quy trình
- Chỉ có khả năng quyết định các vấn đề nhỏ lẻ, không để lại hậu quả nghiêm trọng
Bộ câu hỏi phỏng vấn
- Quyết định khó khăn nhất trong công việc mà bạn từng phải thực hiện trong năm vừa qua là gì?
- Bạn đã từng đưa ra quyết định táo bạo nào trong quá trình làm việc chưa? Hãy đưa ra ví dụ minh chứng?
- Bạn đã từng bỏ lỡ cơ hội gì đó vì chần chừ không đưa ra quyết định sớm hơn chưa?
- Bạn có thể kể chi tiết về tình huống đó không?
- Bạn cho rằng cách nào tốt hơn để đưa ra quyết định: tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác hay tự mình đưa ra quyết định?
- Bạn có thể nhanh chóng đưa ra những quyết định liên quan đến gì? Bạn mất nhiều thời gian hơn đối với việc đưa ra những quyết định nào khác?
- Hãy mô tả những quyết định mà bạn thường phải đưa ra trong quá trình làm việc trước đây.
- Hãy đưa ra ví dụ về việc bạn từng tìm ra vấn đề mầm mống và giải quyết nó trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng.
- Bạn có tiêu chuẩn/quy trình nào để tìm ra và giải quyết các vấn đề trong công việc không? Hãy mô tả tiêu chuẩn/quy trình đó.
- Vấn đề nào vẫn còn tồn tại trong công việc hiện tại của bạn mà bản thân bạn vẫn chưa thể giải quyết được?
- Bạn sẽ đối mặt với thất bại trong công việc như thế nào?