Từ ngày 1.5, Bộ luật LĐ (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực. Với tư cách là một người làm công tác nghiên cứu, tham gia xây dựng chính sách, TS Đặng Quang Điều – Uỷ viên ĐCT Tổng LĐLĐVN – đã chia sẻ với Báo Lao Động về một số điểm mới cũng như làm thế nào để bộ luật nhanh chóng đến với NLĐ.
Thưa ông, Bộ luật LĐ 2012 có hiệu lực, NLĐ được hưởng lợi những gì?
– Bộ luật LĐ sửa đổi được QH thông qua tháng 6.2012 có một số nội dung cơ bản mà NLĐ sẽ được hưởng lợi là: Chế độ nghỉ thai sản đối với LĐ nữ sẽ kéo dài hơn; cụ thể, theo quy định cũ, chỉ có LĐ nữ là người tàn tật mới được nghỉ thai sản 6 tháng thì theo quy định mới, mọi LĐ nữ khi sinh đẻ đều được nghỉ 6 tháng. Luật mới cũng quy định tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm cao hơn 20% so với trước đây. Tiền lương cho thời gian thử việc của NLĐ được điều chỉnh tăng 10% (85% lương so với 75% trước đây).
Một quy định mới nữa là NLĐ thử việc nếu được nhận vào làm việc, thì thời gian thử việc cũng được tính là thời gian tham gia BHXH… Bắt đầu từ 1.5 quyền và lợi ích của NLĐ thuê lại và LĐ giúp việc gia đình đã được quy định và điều chỉnh bởi bộ luật mới. Ngoài ra còn rất nhiều quy định khác nhằm bảo vệ tốt hơn NLĐ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CĐ đại diện và bảo vệ NLĐ, như quy định về cơ chế dân chủ, cơ chế đối thoại; cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ…
Có rất nhiều CNLĐ chưa nắm được những nội dung mới của Bộ luật LĐ. Vậy phải làm thế nào để giúp họ tiếp cận đầy đủ với những điểm mới của bộ luật này, thưa ông?
– Các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới NLĐ. Phải đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền. Bộ luật mới có 17 chương 242 điều, vì vậy cần soạn thảo thành tài liệu tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng. Cần lựa chọn những nội dung NLĐ quan tâm nhất, thiết thực nhất với họ để đưa vào tài liệu tuyên truyền. Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để Luật LĐ nhanh chóng đến với NLĐ và cả chủ sử dụng LĐ.
Theo ông, tổ chức CĐ cần phải làm thế nào để góp phần đưa Bộ luật LĐ nhanh chóng đi vào cuộc sống?
– Tổ chức CĐ là một trong những lực lượng nòng cốt có vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến bộ luật tới CNVCLĐ. Muốn vậy, trước hết mỗi CB CĐ cần phải nắm rõ những nội dung của bộ luật, đặc biệt là những điểm mới, những điểm đã được sửa đổi, bổ sung. Tổ chức CĐ phải là người đi đầu trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật LĐ tới NLĐ; cần sử dụng có hiệu quả bộ máy tuyên truyền để phổ biến Bộ luật LĐ tới mọi đối tượng NLĐ. Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định, CĐ các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật LĐ tới NLĐ cũng như NSDLĐ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới sớm đưa Bộ luật LĐ đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ.
– Xin cảm ơn ông!