Người lãnh đạo doanh nghiệp cần thực hành và định hướng cho nhân sự thực hành quan sát năng lượng và cảm nhận về hạnh phúc của chính họ ở mỗi phút giây để có thể thành công một cách hạnh phúc, bởi lẽ, thành công mà không hạnh phúc là một loại thất bại thảm hại.
Một người bạn của ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc iValue Holding và Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), là một tỷ phú nhưng từng cảm thấy không hạnh phúc, thường xuyên phải uống thuốc trầm cảm. Doanh nhân này đã tìm rất nhiều người thầy chữa bệnh, cuối cùng tìm đến vị sư trụ trì của một ngôi chùa ở TP.HCM.
Điều kỳ lạ là khi gặp vị sư trụ trì, doanh nhân đó cảm thấy bình an, tất cả cảm giác bồn chồn lo lắng biến mất. Ông quyết định vào chùa ở và cảm thấy chưa bao giờ cuộc sống lại dễ dàng đến thế. Sau một thời gian, vị doanh nhân bày tỏ nguyện vọng được ở lại trong chùa.
Vị trụ trì nói rằng chùa không phải là nơi ở để có sự bình an, trên thực tế, chùa là nơi những người yếu đuối không có khả năng làm chủ nội lực tìm vào để tránh khỏi những tác động, xô bồ của cuộc sống bên ngoài. Mặt trái của người ở trong chùa là không được rèn luyện. Trong khi đó, sóng gió ở cuộc sống bên ngoài nhà chùa sẽ khiến con người mạnh mẽ hơn nhờ được tôi luyện.
Vị tỷ phú quyết định trở về nhà và có ý thức tập luyện tư duy. Dần dần, người này đã không còn cần dùng đến những viên thuốc chữa trầm cảm.
“Vào lúc gặp tôi, anh vô cùng hạnh phúc và tự chấm cho mình điểm tuyệt đối trên thang điểm 10 về hạnh phúc. Anh bảo rằng ngay cả lúc bão tố nhất, anh vẫn đạt được điểm 10 về hạnh phúc. Nụ cười anh cho tôi thấy anh đang làm được điều đó”, ông Hiếu kể lại trong sự kiện trực tuyến “Lãnh đạo kiến tạo hạnh phúc” do Học viện Quản trị HRD tổ chức.
Theo ông Hiếu, ngoại cảnh chỉ là một phần tác động bên ngoài. nằm ở bên trong mỗi con người. Dù ở trong một môi trường ít tác động nhưng nếu không học được, không rèn luyện được bản thân thì sẽ bỏ lỡ sự trưởng thành của chính mình.
“Tôi từng đau khổ và cũng đã cất công đi tìm những người thầy. Tôi may mắn gặp những người thầy rất tốt và tôi học được rằng, sự trải nghiệm của bản thân là quan trọng nhất chứ không phải là mô hình, kiến thức, người thầy hay công việc nào”, Tổng giám đốc iValue nói.
Nhiều khi, việc đi tìm những người thầy, những nơi chốn, công việc có thể khiến con người hạnh phúc, tạo được hứng khởi ban đầu nhưng rồi đến một lúc, hạnh phúc lại mất đi.
Do đó, ông Hiếu rất tâm đắc với câu nói của cầu thủ bóng đá Ralph Marston: “Hạnh phúc là một sự lựa chọn mang tính cá nhân. Người ta chỉ hạnh phúc khi cho phép chính mình được hạnh phúc. Nếu người ta không cho phép, không ai có thể giúp”.
Ông cho rằng, bản thân mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với hạnh phúc của mình trong từng khoảnh khắc.
Luôn tồn tại một “con chó đen” và một “con chó trắng” trong mỗi con người
Một lần tham gia họp với ban lãnh đạo mà ông Hiếu lúc đó còn là tổng giám đốc, ông giữ cho mình một tâm trạng vui vẻ và thoải mái. Một lãnh đạo lên tiếng: “Ngân hàng có biết bao nhiêu việc, bao hậu quả phải giải quyết mà anh cứ vui vẻ phơi phới thế có được không”.
Ông Hiếu liền giải thích, vui vẻ mới có năng lượng để giải quyết công việc còn việc nổi cáu và chửi bới sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Người sếp của ông Hiếu thay đổi thái độ, dùng lời lẽ tích cực để động viên đội ngũ và xin lỗi vì thái độ ban đầu.
Để giúp mỗi người trong tổ chức tự quan sát bản thân và xác định thời điểm mình hạnh phúc và không hạnh phúc, “chó đen và chó trắng” là phương pháp ẩn dụ mà ông Hiếu và hệ sinh thái các công ty i.Value và SVF chọn để quan sát bản thân, nhắc nhở nhau trong quá trình rèn luyện, phát triển bản thân và xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
Theo đó, trong mỗi con người luôn có một con chó đen và một con chó trắng chiến đấu với nhau suốt ngày đêm. Con nào được cho “thức ăn”, con đó sẽ chiến thắng.
Con chó đen luôn bi quan, đổ lỗi, tấn công, chỉ trích và tiêu cực trong khi con chó trắng bao dung, lắng nghe, thấu hiểu, cống hiến, đam mê, sáng tạo và hạnh phúc. Khi con chó đen chiếm quyền kiểm soát cơ thể, con người biểu hiện ra bên ngoài những đặc tính của con chó đen và ngược lại.
“Hạnh phúc là trạng thái của não. Hạnh phúc là lựa chọn của bản thân. Có những khi chạm đáy nỗi đau thì tôi mới chọn chó đen, còn lại tôi chọn chó trắng”, ông Hiếu nói.
Có những khi nhân viên gọi cho ông Hiếu mời về tham gia họp. Nếu nhân viên khẳng định trạng thái lúc đó của họ là chó trắng, ông để họ tự tổ chức họp, phân công nhiệm vụ, tự thực hiện các dự án. Kết quả là ông nhận được những lời cảm ơn từ khách hàng.
Còn khi nhân viên ở trạng thái chó đen, ông biết rằng họ đang trong trạng thái nguy hiểm cần được can thiệp. Ông về mời từng người ra nói chuyện, dùng các biện pháp kỹ thuật để khiến tận sâu bên trong người đó cảm thấy bình an. Sau một cái ôm dành cho nhân sự, ông nhờ họ đi hỗ trợ đồng đội tìm lại con chó trắng trong mỗi người để cùng tìm cách giải quyết vấn đề.
“Là doanh nghiệp mà toàn chó đen ngồi họp với nhau thì vừa lãng phí thời gian, lại huỷ hoại tinh thần và năng lượng. Trước khi bàn giải pháp và hành động, phải biết canh trạng thái của bản thân. Hạnh phúc là cơ sở, không cần có điều kiện”, ông Hiếu nói.
Con chó đen cũng được ông Hiếu ví như hình ảnh của cơn bão nhiều sấm chớp trong khi con chó trắng bình an như hình ảnh của cầu vồng. Ông Hiếu rất tâm đắc với một câu ai đó đã từng nói: “Đừng để người ta lôi bạn vào trong cơn bão của họ, hãy đưa họ đến với sự bình an của bạn”.
Ông cho rằng, nếu muốn thực sự trở thành người lãnh đạo kiến tạo hạnh phúc thì phải quan sát và tìm cách kiểm soát con chó đen của chính bản thân trong từng giây, từng phút.
Kích hoạt “con chó trắng”
Theo ông Hiếu, một nụ cười của ai đó cũng có thể thay đổi hiệu quả làm việc của cả công ty. Người bảo vệ tươi cười với mọi người đầu giờ sáng cũng có thể kích hoạt con chó trắng trong họ.
Ông Hiếu cho rằng, tự mỗi cá nhân phải đo lường trạng thái của mình để khi không tự vượt qua sự chán nản thì sẽ có đồng đội hỗ trợ. Việc không tự ý thức về điều đó sẽ tác động tiêu cực lên mọi thứ xung quanh.
Con chó đen thường mang tất cả thành tựu để kể công và đổ lỗi cho ngoại cảnh khi gặp thất bại. Ông Hiếu từng rơi vào trạng thái chó đen, từng kể công và cũng từng đi đổ lỗi khắp nơi. Vào một ngày, một đồng đội bất ngờ cầm tay ông và nói: “Hiếu ơi, mặc dù cậu đang là chó đen nhưng cậu yên tâm, bọn tớ vẫn yêu cậu”.
“Lúc đó, nước mắt tôi rơi xuống, bây giờ nhắc lại vẫn xúc động vì những người đồng đội vẫn yêu thương mình vào giây phút đó”, ông Hiếu chia sẻ.
Ngược lại, con chó trắng biết cảm ơn và tri ân khi đạt được thành tựu và nhận trách nhiệm về mình để chỉnh sửa khi gặp sai sót.
Trong ngày tri ân vào cuối năm 2019 khi ABBank cán đích với lợi nhuận trước thuế lên đến 1.229 tỷ đồng, phát biểu trên cương vị tổng giám đốc, ông Hiếu đã nói ra những lời tri ân đến tất cả đội ngũ nhân sự công ty, dù vất vả và áp lực nhưng họ đã không bỏ cuộc và cùng nhau vượt mục tiêu. Ông quyết định chia sẻ phần thưởng không nhỏ mà công ty dành cho mình cho mọi người.
Vào những tháng không đạt mục tiêu, trong cuộc họp, ông nghe nhân sự chia sẻ lý do và cảm nhận vào thời điểm đó. Có nhân sự rớt nước mắt chia sẻ rằng chưa bao giờ đạt kết quả tệ như vậy, có thể tháng đó sẽ không có đủ tiền để nuôi gia đình. Khi ông quay xuống phía dưới và đề nghị những ai đặt niềm tin và bao dung với người đó giơ tay cao lên, cả cuộc họp đã giơ tay. Ông đề nghị họ lên ôm nhân sự đó, nhiều người đã bước lên.
Bất ngờ, người nhân sự đó lên tiếng cảm ơn đồng đội, tự rút ra bài học rằng nếu tập trung hơn vào vấn đề, cổ vũ và kết hợp tốt hơn thì kết quả đã khác. Người này xin nhận lại trách nhiệm với một lời cam kết cho kết quả của tháng tiếp theo. Tất cả những người còn lại giơ tay đồng tình với những bài học mà nhân sự đó đã rút ra. Người này bước về chỗ trong một tâm trạng hoàn toàn khác biệt.
Một người khác đứng lên xin lỗi nhân sự kia vì đã “hành” người đó quá nhiều khiến nhân sự đó rơi vào trạng thái con chó đen. Người này cũng nhận trách nhiệm hỗ trợ nhân sự kia để đạt được mục tiêu cho tháng tiếp theo.
“Có bài học thì có tiến bộ và có trưởng thành nên kết quả thay đổi. Với mỗi tình huống, tôi đề nghị nhân sự viết ra bài học cho chính mình”, ông Hiếu cho biết.
3 bước cơ bản để nhà lãnh đạo kiến tạo hạnh phúc cho tổ chức
Ông Hiếu cho biết, cả đội ngũ của ông kiên trì quan sát bản thân để chọn bình an, chọn phiên bản con chó trắng và chọn thành công một cách hạnh phúc. Sau ba năm, họ bất ngờ phát hiện ra những sự thật. Ông Hiếu chỉ ra ba ví dụ.
Thứ nhất, thông thường, con người luôn có cảm giác bận rộn và khủng hoảng trong sự bận rộn. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy, tại một thời điểm, con người chỉ làm một việc.
Thứ hai, công việc chỉ là tổ hợp của những cử động. Nếu nhóm một số cử động lại và gọi là “làm việc” thì tự nhiên cảm thấy bị áp lực và mất năng lượng. Cùng những cử động như đứng lên, ngồi xuống, nói, suy nghĩ….nhưng được gọi là “đi chơi” thì tự nhiên con người sẽ cảm thấy sảng khoái, vui vẻ và tràn đầy phấn khởi. Ông Hiếu cho rằng có thể đánh lừa não bằng cách gọi tất cả công việc đang làm là “đi chơi” với đồng nghiệp, với sếp, với khách hàng.
Thứ ba, vận động và nghỉ ngơi luôn đan xen nhau. Con người lúc nào cũng làm việc quá nhiều, quá bận nhưng xét cho cùng, tất cả chỉ là cảm giác.
“Giây phút tôi nhìn thấy những sự thật đó thì tôi được giải phóng, tôi không còn thấy bận rộn nữa”, ông Hiếu nói.
Để trở thành nhà lãnh đạo kiến tạo hạnh phúc, ông Hiếu cho rằng có ba thứ mà nhà lãnh đạo cần phải làm. Trước hết, coi bản thân là ngọn nến và tìm cách thắp sáng chính mình, chọn lựa bình an. Thứ hai, thực hành lan toả đến đội ngũ bằng cách chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức.
Khi đó, từng cá nhân được hướng dẫn, rút ra cho mình những bài học và biết cách thắp sáng ngọn nến của chính họ. Họ không còn cảm thấy cô đơn, cùng lan toả và tất cả cùng bừng sáng. Ông Hiếu nhấn mạnh, đó chính là lúc mà người lãnh đạo đã kiến tạo hạnh phúc thành công.