“Công việc đáng sợ làm cho một người nản chí và mệt mỏi khi họ trở về vào ban đêm. Nó thường lấy hết năng lượng, nhiệt tình và sự tôn trọng chính bản thân mình”
- Tinh thần luôn mệt mỏi: Hiện tại là 10 giờ sáng thứ Hai nhưng bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và chỉ mong chờ tới thứ Sáu.
- Trong thời gian làm việc, bạn không tập trung và không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Bạn không còn cảm thấy thích thú hay không còn bất kỳ động lực nào cho công việc – trừ khi đó là ngày lĩnh lương
- Trạng thái trong cuộc họp của bạn: không chuẩn bị và cũng không thấy hứng thú. Bạn có xu hướng thủ thế hoặc thậm chí là sẵn sàng “tấn công” trong các cuộc họp công ty dù nguyên nhân có khi chỉ bé tẹo như đầu cây kim
- Công việc trì trệ: Bạn tìm mọi lí do để không hoàn thành dự án đúng hạn thay vì cố gắng hết sức để kết thúc chúng.
- Gần đây, bạn liên tục làm việc theo kiểu “việc hôm nay… cứ để ngày mai” dù bạn hoàn toàn có thể làm xong những việc ấy ngày hôm nay.
- Khi buộc phải cam kết hoàn thành công việc, bạn cảm thấy rất bực bội.
- Bạn không muốn đặt ra bất cứ mục tiêu nào cho công việc, và bạn đã phải rất khó khăn để hoàn thành bản tự đánh giá nhân viên theo định kỳ
- Cô độc nơi làm việc: Bạn tránh gặp mọi người vì sợ bị giao nhiều việc hơn.
- Bạn càng ngày càng ít tiếp xúc với các đồng nghiệp, tự giam mình trong phòng làm việc và tránh mọi dịp giao lưu với mọi người
- Phần lớn thời gian làm việc được bạn “ưu ái” dành cho việc kêu ca, phàn nàn với các đồng nghiệp hoặc thậm chí là than phiền về các đồng nghiệp của mình
- Mọi người tránh gặp bạn vì không muốn nghe bạn than thở về phần công việc của mình.
- Bạn thấy bất mãn trước những thành công của công ty hoặc của đồng nghiệp.
- Giờ giấc: Càng ngày bạn càng cảm thấy lười dậy sớm để chuẩn bị đi làm và dần dần thói quen rề rà trở thành một phần trong cuộc sống của bạn
- Nghỉ phép: Bạn giả vờ bị ốm và lấy đó làm cái cớ để không phải đi làm. Chưa hết nửa năm mà bạn đã sử dụng hết số ngày nghỉ phép như ốm đau, việc cá nhân và cả những ngày nghỉ lễ
Nếu bạn có ít nhất 5 “triệu chứng” như đã liệt kê ở trên thì đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đã chán việc rồi đó
Nếu những dấu hiệu trên dần trở thành thói quen của bạn, bạn đang biến mình thành một người lười biếng, chểnh mảng, thụ động. Hãy tìm cách cải thiện tình hình nếu không muốn mọi việc tồi tệ hơn.
Bạn cần làm gì khi chán việc?
1. Tiếp cận sếp và nhờ tư vấn về tình trạng của bạn:
Hầu hết các nhà quản lý đều rất muốn nhân viên mình làm việc tốt. Chắc chắn là họ đã có kinh nghiệm vượt qua những khó khăn, vì họ đã từng trải qua vị trí của bạn rồi.
Hãy yêu cầu sếp cho bạn những thông tin phản hồi hoặc thảo luận về kế hoạch làm việc của bạn. Nhiều người trở nên chán nản khi họ cảm thấy bị bỏ rơi và không được sếp coi trọng, các nhà quản lý biết điều này, nhưng đôi khi lại quên thực hiện vì họ phải bận rộn với những vấn đề của riêng mình. Vì vậy khi bạn tiếp cận, họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ.
Nếu bạn thực sự không thể tiếp cận sếp, thì bạn có thể thử tiếp cận bộ phận nhân sự, hoặc “sếp của sếp”
2. Giành quyền kiểm soát cảm xúc của chính mình
Không để chuyện riêng tư ảnh hưởng đến công việc- Gần đây, bạn gặp một số vấn đề rắc rối với “người ấy”? Bạn không nên mang những phiền muộn và lo lắng đến nơi làm việc. Hãy giải quyết những vấn đề riêng tư ngoài giờ làm việc. Phân biệt rõ ràng công việc và vấn đề riêng tư. Có như vậy, bạn mới làm việc năng suất và hiệu quả
Hãy đánh giá cảm nhận của bạn về công việc cũng như cuộc sống. Bạn có thể viết chúng ra hoặc chia sẻ với người khác và tìm kiếm lời khuyên ở họ. Càng sớm xác định được cảm xúc của mình, bạn càng sớm có hướng giải quyết.
Hãy xem lại những sự đóng góp mà bạn đã làm cho tổ chức, và hãy hỏi bản thân: – Đâu là sức mạnh và năng lực mà tôi đã mang đến và đặt ở trên bàn làm việc này? -Tôi đã lớn lên trong những năm vừa qua ở công ty này như thế nào? – Đâu là những thành tích đã từng đem đến niềm tự hào cho tôi? Bạn sẽ có nhiều cảm xúc tích cực, và biết đâu là điểm mạnh của mình.
3. Kiểm soát công việc
Thật khó để có động lực nếu bạn “mắc kẹt” trong hàng đống việc cần làm và không biết bắt đầu từ đâu. Mọi người thường lạc đường vì không có bản đồ và trong công việc cũng vậy. Hãy lập ra một kế hoạch cụ thể những công việc cần làm và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, việc gì cần làm trước, việc nào làm sau.
Khi bạn biết cách sắp xếp công việc khoa học và hợp lý, công việc của bạn sẽ diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. Công việc càng hiệu quả thì bạn sẽ càng cảm thấy yêu việc và hăng hái với công việc hơn.Liệu có phải quá nhiều cuộc họp và nhiệm vụ được giao là thủ phạm khiến bạn ” quá tải”? Nếu đúng như vậy, hãy tìm cách kiểm soát trong khả năng của bạn. Bạn có thể đề nghị sếp giảm số cuộc họp hoặc chuyển sang một thời điểm khác, yêu cầu giúp đỡ hoàn thành dự án, sắp xếp công việc một cách hợp lí hơn…
Tránh ôm đồm nhiều vai trò cùng lúc. Bạn có phải là trưởng nhóm hay bạn còn là người cố vấn đặc biệt cho công ty bên cạnh công việc thường ngày? Đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc dễ làm bạn quá sức. Hãy làm tốt một vai trò và sau đó nâng dần lên khi bạn thấy tự tin và tràn đầy năng lượng.
4. Làm mới không gian xung quanh
Không gian làm việc của bạn ở công ty rất quan trọng trong việc giúp bạn lấy lại niềm vui và hứng thú. Hãy tạo cho mình một không gian riêng thật thoải mái và thư giãn. Không gian làm việc riêng, phù hợp với sở thích của bạn sẽ giúp bạn cảm thấy hứng thú hơn khi làm việc.
5. Học hỏi những điều mới
Hiểu biết rõ về công ty bạn và những ngành nghề kinh doanh như là những phạm trù luôn cần được tăng trưởng trong tương lai, và những kỹ năng mới có khả năng được đòi hỏi để áp dụng vào các ngành nghề đó. Yêu cầu công ty tổ chức các khóa tập huấn theo mỗi phạm trù đó, hoặc bạn có thể đăng ký học ở các khóa học chuyên ngành để mở rộng và nâng cao tầm hiểu biết.
6. Tìm kiếm nhiều tầm nhìn
Hãy quan tâm đến bản thân, mở rộng khả năng quan sát xung quanh, gạt bỏ đi trạng thái buồn chán, thiết lập cho bản thân khả năng tiến bộ và thành thạo trong công việc. Đệ trình lên những bản báo cáo hay những bài viết về chuyên môn hoặc gởi thư góp ý, tình nguyện phát biểu các chuyên đề trong các cuộc trao đổi và thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm của bạn với nhóm và tại các cuộc thảo luận trong công ty.
7. Mở rộng phạm vi ảnh hưởng
Đồng nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong công việc của bạn. Họ sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều nếu bạn biết cách cư xử với họ. Do vậy, hãy cởi mở và hoà đồng với họ. Khi bạn có mối quan hệ tốt với họ, bạn sẽ không cảm thấy chán nản mỗi khi đến nơi làm việc. Ngược lại, họ chính là động lực khiến bạn trở nên yêu công việc của mình hơn.
Tạo mối quan hệ với đồng nghiệp cũ, những nhân viên mới, những thành viên có cùng ngành nghề với bạn hoặc những tổ chức chuyên đề. Khám phá những sự kiện xảy ra bên trong và ngoài công ty, hãy để cho tất cả họ biết đến những kế hoạch đặc biệt của bạn, để bạn được chú ý và cùng nhau làm việc với họ. Một mạng lưới những người đồng nghiệp có cùng phong cách sống sẽ giúp bạn giảm nhiều áp lực trong công việc
8. Tìm nguồn cảm hứng
Hãy đọc một cuốn sách, bài báo hoặc bất cứ thứ gì nói về câu chuyện thành công của một người nào đó. Điều cần tập trung là những giai đoạn thăng trầm của họ trong suốt cuộc hành trình và họ đã cố gắng ra sao để đạt tới mục tiêu. Câu chuyện của họ có thể truyền cảm hứng cho bạn để đối mặt và vượt qua tình trạng hiện tại.