Khi chấm dứt hợp đồng lao động, tùy từng trường hợp cụ thể, doanh nghiệp thường vi phạm một số quy định như: không có phương án sử dụng lao động, vi phạm thời hạn báo trước, không áp dụng đúng căn cứ chấm dứt hợp đồng,…
1. Không lập phương án sử dụng lao động
Doanh nghiệp khi cho người lao động thôi việc vì thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế khiến cho nhiều người lao động có nguy cơ bị mất việc làm có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động. Nếu doanh nghiệp không có khả năng sử dụng tiếp lao động thì mới cho họ thôi việc. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, nếu người sử dụng lao động kế tiếp không sử dụng hết số lao động hiện có thì phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.
2. Vi phạm thời gian báo trước
Doanh nghiệp chỉ được chấm dứt hợp đồng lao động khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần báo cho người lao động biết trước: ·
Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ·
Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ·
Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
3. Áp dụng không đúng căn cứ chấm dứt hợp đồng
Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp: chỉ khi các hoạt động này được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp mới có nghĩa vụ thực hiện các công việc như nêu trên. Doanh nghiệp thường nhầm lẫn với trường hợp chia quyền quản lý giữa công ty mẹ và công ty con với chia, tách doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập các bộ phận trong công ty với hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần căn cứ vào mức độ không hoàn thành công việc trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy,… chứ không thể căn cứ vào kết quả lao động không đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các căn cứ pháp luật khi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
4. Không có sự tham gia của
Ban chấp hành công đoàn cơ sở Đối với quy trình, thủ tục mà luật yêu cầu phải có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có sự hiện diện của thành phần này. Hiện nay, các doanh nghiệp thường bỏ qua yếu tố này dẫn đến rủi ro pháp lý khi bị kiện ra Tòa.
5. Trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc
Doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động nếu họ đáp ứng điều kiện được nhận các khoản này, cụ thể: số tiền được hưởng, thời gian tính, tiền lương tính trợ cấp.
6. Thời hiệu xử lý kỷ luật
Tối đa 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; Tối đa là 12 tháng đối với trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp; Một số trường hợp có thể kéo dài nhưng theo quy định của pháp luật.
7. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật sa thải:
Người có thẩm quyền ký quyết định sa thải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền của người này trong trường hợp người này đi vắng và phải có văn bản ủy quyền.
QTNS sưu tầm nguồn từ CafeBiz