Với việc xã hội và pháp luật Việt Nam ngày càng cởi mở hơn, người đồng tính hiện nay có thể thoải mái bộc lộ xu hướng của bản thân mọi lúc mọi nơi. Trong môi trường văn phòng cũng vậy. Với kinh nghiệm của một người đồng tính đã công khai ở 3 công ty đã từng làm việc qua, tôi xin chia sẻ một số điều người đồng tính nên tránh trong môi trường văn phòng.
Dò xét đồng nghiệp “kín”
Hãy thú nhận đi, người đồng tính nào mà chẳng tò mò: “Anh ấy có phải “người trong giới” của mình hay không?”, “Cô ấy nhìn có vẻ “giống” đấy!”… Việc mong muốn tìm kiếm và kết thân với “người trong giới” là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng mong muốn thể hiện và bộc lộ xu hướng của bản thân trong môi trường văn phòng. Do đó, đừng soi mói và dò xét, hay hỏi những câu thiếu tế nhị như: “Sao anh 28 tuổi rồi mà chưa có bạn gái vậy?”. Nếu một người muốn công khai, họ sẽ có cách cho bạn biết. Cho đến khi họ công khai, đừng cố gắng “khui” ra những gì họ đang muốn giữ bí mật.
Phản ứng quá khích với sự kì thị
Tôi có một anh bạn đồng tính rất thích bắt lỗi gay gắt mỗi khi đồng nghiệp lỡ lời nói cụm từ “bị pê đê”. Tất nhiên, cách dùng từ như thế dễ gây tổn thương cho những người đồng tính nam và việc phản ứng lại cũng dễ hiểu. Nhưng hãy nhớ rằng văn phòng không phải gia đình, và không phải lúc nào cũng có thể bắt mọi người theo ý mình được. Đối với bạn, họ không chỉ là “những kẻ kì thị” mà còn là đồng nghiệp trong văn phòng.
Hãy khéo léo nói nhỏ hoặc bàn riêng với họ về cảm nhận của bản thân, thay vì lớn tiếng phản đối mỗi khi họ có hành động hay lời nói kì thị (mà họ không cố ý). Khi nào sự việc khiến bạn cảm thấy tổn thương trầm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ công việc, hãy nói chuyện với sếp hoặc phòng nhân sự. Mọi việc đều có cách giải quyết và quy trình của nó, đừng phá vỡ chỉ vì một phút nóng nảy mà nặng lời với đồng nghiệp, khiến không khi làm việc tệ đi.
Sử dụng ứng dụng tìm bạn ở văn phòng
Chắc bạn cũng biết tôi đang muốn nói đến những ứng dụng gì rồi. Điều này cũng đúng với cả người di tính với các ứng dụng tìm tri kỷ như Tinder, Paktor… Theo ý kiến của tôi, việc sử dụng các ứng dụng này thuộc phạm trù khá riêng tư, cho nên hãy để nó ở trong thế giới cá nhân của bạn. Tưởng tượng một ngày bạn gặp người đồng nghiệp trên ứng dụng, chắc bạn sẽ cảm thấy có chút… ngượng, đúng không? Chưa kể nhiều thông tin cá nhân trên các ứng dụng này khá nhạy cảm và có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn tại văn phòng. Tốt nhất là đừng dùng các ứng dụng này ở văn phòng, để tránh nhập nhằng các quan hệ công việc và quan hệ ngoài luồng.
Đóng khung chính mình
“Lâm “cong” nè, chắc là có khiếu thẩm mỹ lắm hả. Đi team building vô đội tụi chị nha.” Những nhận xét thế này có nhiều người đồng tính nhận được gần như hằng ngày. Đúng hay sai khoan bàn tới. Điều quan trọng là đừng cố gắng đóng khung khả năng và tính cách của bản thân dựa trên những nhận xét của đồng nghiệp. Hầu hết các nhận xét này đều dựa trên những định kiến cố hữu và sai lầm về giới đồng tính. Có nhiều người đồng tính khi mới vào làm luôn muốn chứng tỏ khả năng, nhưng thay vì phát triển năng lực của chính mình, họ lại cố gắng gây ấn tượng bằng việc làm theo kì vọng của người khác. Ví dụ bạn Lâm là một người rất giỏi về kỹ thuật digital marketing, nhưng khi nhắc đến bạn, người trong văn phòng đều chỉ nhớ bạn là một người “khéo tay hay làm”. Hãy thoát ra khỏi “cái khung” mà mọi người áp đặt cho mình
Thờ ơ và “cố quá”
“Vũ ơi đi nhậu chung với tụi anh”
Nếu một người đồng tính nhận được những lời rủ rê thế này, nhiều khả năng họ rơi vào cái bẫy “suy nghĩ”. “Toàn là trai thẳng, chán chẳng muốn đi” có thể là suy nghĩ phổ biến. Tuy nhiên, nếu không có lý do đặc biệt gì để từ chối, sao không thử tham gia cùng một lần, biết đâu sẽ thú vị hơn bạn tưởng?
Ngược lại, có những người đồng tính rất thích tham gia nhậu nhẹt để chứng tỏ mình không lép vế trước các anh trai thẳng trong văn phòng, chứ không phải do chính mình thích đi nhậu.
Không có đúng và sai ở cả hai trường hợp trên, nhưng lời khuyên là: hãy giữ sự cân bằng. Đừng quá thờ ơ và xa cách bởi vì mình không “giống” họ, nhưng cũng đừng “cố quá” để làm hài lòng mọi người. Thực tế, người đồng tính cũng như mọi cá nhân khác trong văn phòng, đều làm việc để cung cấp nguồn tài chính cho cá nhân nhưng cũng dành hầu hết thời gian trong văn phòng. Do đó, hãy để trải nghiệm của mình ở văn phòng thật thoải mái, đồng thời giữ cho các mối quan hệ với đồng nghiệp thân thiết và chuyên nghiệp. Đừng lúc nào cũng nghĩ mình là “người khác biệt”, bạn sẽ tự khắc hòa nhập mà không hòa tan vào cộng đồng nhỏ trong văn phòng của mình.
QTNS sưu tầm nguồn từ HR INSIDER