Từ 1/1/2020, lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000 đến 240.000 đồng một tháng so với quy định hiện hành, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Lương vùng I là 4.420.000 đồng một tháng (tăng 240.000 đồng), vùng II là 3.920.000 đồng (tăng 210.000 đồng); vùng III ở mức 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng IV là 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).
Từ ngày 1/1/2020 còn có sự thay đổi về vùng trong việc áp dụng lương tối thiểu vùng. Theo đó, huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước; thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành của tỉnh Bến Tre được điều chỉnh từ vùng III lên vùng II.
Các huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương của tỉnh Thanh Hóa; huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An; huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam của tỉnh Bến Tre được điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III.
Người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề thì mức lương phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nêu trên.
Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020
Tăng lương cơ sở
Theo khoản 7 điều 3 Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,6 triệu đồng/tháng.
Với việc tăng lương này, tiền lương và phụ cấp tính theo lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang cũng được điều chỉnh tăng 7,38% so với hiện hành.
Như vậy, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới quy định cụ thể về vấn đề này để thay thế Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Hướng dẫn xếp lương ngạch công chức ngành ngân hàng
Hướng dẫn xếp lương ngạch công chức ngành ngân hàng
Từ ngày 1/1/2020, Thông tư 12/2019/TT-NHNN quy định về chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cách xếp lương các ngạch công chức ngành ngân hàng bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, ngạch kiểm soát viên cao cấp ngân hàng gồm 6 bậc, với hệ số lương lần lượt từ bậc 1 đến bậc 6 là 6.20, 6.56, 6.92, 7.28, 7.64, 8.00; ngạch kiểm soát viên chính ngân hàng gồm 8 bậc, với hệ số lương lần lượt từ bậc 1 đến bậc 8 là 4.40, 4.74, 5.08, 5.42, 5.76, 6.10, 6.44, 6.78; ngạch kiểm soát viên ngân hàng gồm 9 bậc, với hệ số lương lần lượt từ bậc 1 đến bậc 9 là 2.34, 2.67, 3.00, 3.33, 3.66, 3.99, 4.32, 4.65, 4.98.
Ngạch thủ kho ngân hàng, thủ quỹ ngân hàng, kiểm ngân gồm 12 bậc, với hệ số lương lần lượt từ bậc 1 đến bậc 12 là 1.86, 2.06, 2.26, 2.46, 2.66, 2.86, 3.06, 3.26, 3.46, 3.66, 3.86, 4.06.
Cách tính lương cụ thể bằng hệ số lương nêu trên nhân (x) với mức lương cơ sở (hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng; từ ngày 1/7/2020 là 1,6 triệu đồng/tháng).
Thêm điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu Việt Nam
Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu Việt Nam
Từ ngày 1/8/2020, Thông tư 43/2019/TT-BGTVT về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam được thi hành.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều kiện chung và điều kiện về chuyên môn đối với thuyền viên có quốc tịch nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam. Điểm mới nhất, nếu thuyền viên không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì phải có văn bản xác nhận do Cục Việc làm thuộc Bộ lao động Thương binh và Xã hội, các sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp.
Thêm yêu cầu về thời hạn của hộ chiếu, Thông tư quy định thuyền viên phải có hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp. Thuyền viên còn phải có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng.