Trong cuộc sống đầy màu sắc này, đôi khi chúng ta sẽ học được những bài học sâu sắc từ những việc tưởng chừng như thật giản dị: Ngắm nhìn những đứa trẻ chơi đùa, cuốc một khoảnh đất, hoặc đơn giản hơn nữa là đọc những mẩu chuyện ngắn. Dưới đây là ba mẩu chuyện nhỏ, lời ít mà ẩn chứa nhiều ý nghĩa rất đáng để chúng ta lắng tâm suy xét.
Chuyện thứ 1: Đánh giá người khác
Em bé ngồi trên ghế với hai quả táo trên tay.
Mẹ tiến lại gần nhẹ nhàng hỏi bé: “Con yêu! Cho mẹ một quả được không?”
Bé ngước nhìn mẹ rồi quay xuống nhìn quả táo ở tay này rồi lại nhìn sang quả táo ở tay kia.
Thấy vậy người mẹ thoáng buồn, nhưng vẫn giữ nét mặt vui vẻ để không lộ vẻ thất vọng.
Rồi bé cắn một miếng ở quả táo to hơn, ăn xong bé cắn tiếp một miếng ở quả táo nhỏ. Hành động của bé càng khiến mẹ thêm thất vọng.
Nhưng sau khi ăn hai miếng táo, bé đưa một quả táo cho mẹ và nói: “Mẹ lấy quả này đi. Nó ngọt hơn!”.
Lúc ấy, người mẹ cảm thấy vô cùng hối hận khi nhận ra mình đã vội vàng đánh giá sai hành động của con.
Bài học:
Chúng ta không nên đánh giá sự việc ở bề mặt mà thiếu sự thấu hiểu. Hãy cho người khác cơ hội giải thích về mình trước.
Chúng ta có thói quen đánh giá người khác dưới góc nhìn của mình mà quên mất rằng những gì ta nhìn được chỉ là hành vi bề ngoài. Ta hoàn toàn chưa thể ngay lập tức nhìn thấy được những suy nghĩ và động cơ thúc đẩy người đó hành động. Vậy nên, những đánh giá của chúng ta dựa trên bề mặt như vậy liệu có đáng tin cậy?
Hơn thế nữa, suy nghĩ của chúng ta về một người là vô hình trong thế giới vật chất, nhưng về mặt tinh thần, đối phương chắc chắc sẽ cảm nhận được năng lượng tiêu cực mà ta dành cho họ. Năng lượng này liệu có mang tới điều gì tốt đẹp cho một mối quan hệ?
Như người mẹ trong câu chuyện, cô đã giấu đi sự không hài lòng của mình đối với con trai. Đó là một may mắn. Bởi nếu khi đó, người mẹ không thể kìm chế cảm xúc của mình mà thể hiện sự thất vọng hoặc trách móc, cô ấy có lẽ đã làm tổn thương sâu sắc đứa con bé nhỏ của mình.
Vậy nên, trước mỗi sự việc khiến chúng ta cảm thấy buồn bực và có cảm giác muốn phán xét, hãy tìm cho mình “một khoản hòa hoãn” để thấu hiểu sự việc. Bạn sẽ tránh được những hối tiếc cho bản thân.
Chuyện thứ 2: Giúp người là giúp chính mình
Có một người nông dân từng trồng được loại ngô cho chất lượng hoàn hảo. Ông thường giành được giải thưởng cao về trồng ngô trong vùng.
Một ngày, nhà báo tới phỏng vấn và hỏi ông về bí quyết thành công. Trước đó nhà báo đã tìm hiểu và được biết ông thường chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình với hàng xóm.
Vì thế nhà báo hỏi: “Thưa ông, vì sao ông lại chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình với hàng xóm khi biết rằng họ là đối thủ cạnh tranh của mình. Chẳng phải điều đó khiến ông khó giành chiến thắng trong cuộc thi sao?”
Người nông dân trả lời: “Anh có biết gió sẽ giúp thụ phấn ngô từ ruộng này sang ruộng khác. Nếu hàng xóm trồng giống ngô không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ngô ở các ruộng lân cận. Vì vậy nếu muốn trồng được ngô ngon thì cũng cần giúp hàng xóm của mình như vậy”.
Bài học:
Để cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa, chúng ta cần giúp đỡ những người khác, bởi hạnh phúc thật sự là khi biết sẻ chia.
Ai cũng thuộc nằm lòng bài học này, nhưng bạn đã thử tự hỏi mình tại sao sẻ chia lại mang đến cho chúng ta hạnh phúc?
Khi trao tặng cho ai đó bất cứ một thứ gì tốt đẹp, lúc đó không phải là chúng ta đang trao đi mà chính là đang nhận lại. Bởi, giây phút đó, chúng ta đã từ bỏ được sự ích kỉ của mình.
Chính lúc đó, đối phương cũng cảm nhận được chúng ta đang nghĩ cho họ, đang mong muốn họ nhận được những điều tốt đẹp. Đối phương có thể không cảm động trước sự chân thành này?
Càng xây dựng được thói quen chia sẻ những điều tốt đẹp, tấm lòng vị tha – vì người khác của chúng ta sẽ ngày càng lớn, tâm hồn chúng ta sẽ ngày càng nhẹ nhàng, không vướng bận với những tính toán thiệt hơn, lợi hại. Giúp người khác là giúp chính mình.
Câu chuyện thứ 3: Gió và mặt trời
Một cuộc tranh cãi nảy sinh giữa Gió và Mặt trời về việc, trong hai người, ai là người mạnh hơn. Họ quyết định giải quyết vấn đề này bằng cách, ai có thể làm cho người đi bộ dưới kia cởi chiếc áo choàng ra trước thì sẽ thắng.
Gió thổi mạnh hết sức có thể, nhưng càng thổi mạnh, người đi bộ càng cố giữ chặt áo choàng của mình. Sau đó, Mặt trời tỏa sáng, những tia nắng êm dịu, và người đi bộ cảm thấy ấm áp, thoải mái, cuối cùng anh ta cởi bỏ chiếc áo choàng của mình. Mặt trời đã trở thành người chiến thắng.
Bài học:
Hãy học cách đối đãi với người khác theo cách của mặt trời.
Theo một ý nghĩa nào đó, áo choàng của người bộ hành nghèo khổ chính là lá chắn tự vệ của mỗi người. Ai cũng cảm thấy bản thân mình dễ tổn thương nên đều cố gắng giữ cho thật chắc chiếc áo này.
Khi ta tiếp cận một ai đó, cách thức mà ta đối xử với họ cũng sẽ thường theo hai cách, một của Mặt trời, một của gió.
Nếu theo cách của gió, ta sẽ đối đãi với người bằng quyền lực của bản thân, bằng sự thúc giục, đôi khi là uy hiếp (“mẹ là người lớn, con cần làm theo mọi điều mẹ yêu cầu” là một ví dụ). Bạn đã hình dung được đối phương sẽ đáp lại như thế nào chưa?
Cách của gió chỉ khiến người khác càng e sợ bạn, khép lòng lại như thể người bộ hành cứ cố giữ chặt thêm chiếc áo khoác của mình.
Còn hãy xem người theo cách của mặt trời sẽ ứng xử ra sao?
Bạn bước vào thế giới của ai đó với tấm lòng ấm áp, bằng những suy nghĩ tươi sáng đầy tin tưởng, như muốn nói với họ rằng: Bạn thấy đấy, tôi đến đây là với thiện chí, tôi muốn giúp bạn. Sẽ không có lý do gì để người đối diện không trở nên cởi mở và đón nhận tất cả những điều bạn mong muốn gửi trao.
QTNS online sưu tầm từ nguồn Daikynguyenvn.com